Trung Quốc là quốc gia đông dân bậc nhất thế giới, đã và đang đối mặt với nhu cầu khổng lồ về năng lượng để phục vụ sự phát triển kinh tế và xã hội. Trong nỗ lực giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và giảm lượng khí thải carbon, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là thủy điện.
Một trong những dự án thủy điện nổi bật nhất là hành lang năng lượng sạch kéo dài hơn 1.800km dọc theo sông Dương Tử, được hình thành từ đập Tam Hiệp và 5 “siêu” đập khác.
Đập Tam Hiệp
Đập Tam Hiệp, hoàn thành vào năm 2012, là công trình thủy điện lớn nhất thế giới với chiều dài 2.335m và chiều cao 185m. Đập này có 32 máy phát điện với tổng công suất lên đến 22.500 MW. Mỗi năm, đập Tam Hiệp sản xuất khoảng 100 tỷ kWh, đủ để cung cấp năng lượng cho hàng chục triệu hộ gia đình. Bên cạnh đó, đập còn giúp kiểm soát lũ lụt, cải thiện giao thông đường thủy và cung cấp nước tưới tiêu cho nông nghiệp.
Đập Ô Đông Đức
Nằm ở thượng nguồn sông Dương Tử, đập Ô Đông Đức là một trong những con đập lớn nhất thế giới, được khởi công vào năm 2005 và hoàn thành vào năm 2014. Đập có chiều dài 326m và chiều cao 270m. Đập Ô Đông Đức tạo ra năng lượng bằng cách sử dụng 12 tuabin, mỗi tuabin có công suất phát điện là 850MW, tổng công suất phát điện lên tới 10,200MW. Con đập này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện mà còn giúp điều tiết lũ lụt và duy trì dòng chảy của sông Dương Tử.
Đập Bạch Hạc Than
Đập Bạch Hạc Than được xây dựng trên sông Kim Sa, phần thượng lưu của sông Dương Tử, với hơn 8 triệu m3 bê tông, chiều cao gần 300m, chiều dài vòng cung đỉnh đập 709m và có 6 cửa xả lũ. Đây cũng là một trong những đập thủy điện vòm lớn nhất thế giới.
Tổng kinh để xây dựng thủy điện này xấp xỉ 170 tỷ nhân dân tệ (khoảng 646.000 tỷ đồng). Dự án này dự kiến sản xuất 62 terawatt giờ điện mỗi năm, cung cấp điện cho các khu dân cư, tòa nhà cao tầng và nhà máy, thậm chí ở những vùng xa xôi như Giang Tô, cách đó hơn 2.000km về phía đông.
Đập thủy điện Bạch Hạc Than đã lập nhiều kỷ lục thế giới như: thông số địa chấn của đập vòm cao 300m đứng đầu thế giới; lần đầu tiên toàn bộ đập sử dụng bê tông xi măng ít tỏa nhiệt; đập chịu được tổng lực đẩy nước 16,5 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới (sau đập Tam Hiệp); đập vòm lớn nhất thế giới.
Đập này đánh dấu sự hoàn thiện của "hành lang năng lượng sạch", đóng góp quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính và cung cấp nguồn năng lượng ổn định cho khu vực.
Đập Khê Lạc Độ
Đập Khê Lạc Độ là một đập vòm trên sông Kim Sa, một nhánh của sông Dương Tử ở Trung Quốc. Đập Khê Lạc Độ là một công trình thủy điện quan trọng của Trung Quốc, nổi bật với chiều cao 285,5m và chiều dài 700m, là đập vòm cao thứ ba trên thế giới. Hồ chứa nước của đập có dung tích lên đến 12.67 tỷ m3. Đập này được trang bị hệ thống đập tràn gồm bảy cửa thoát nước bề mặt, tám cửa thoát nước ở giữa và bốn đường hầm tràn, tất cả đều có khả năng xả tối đa 32.278m3 nước mỗi giây.
Nhà máy thủy điện tại đập Khê Lạc Độ có 18 tua-bin Francis với công suất 770MW mỗi tua-bin, tổng công suất lắp đặt đạt 13.860MW. Hệ thống này không chỉ cung cấp lượng điện năng khổng lồ mà còn góp phần quan trọng vào việc điều tiết lũ lụt và bảo vệ môi trường trong khu vực.
Đập Hướng Gia Bá
Đập Hướng Gia Bá nằm giữa hai tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Công trình này có chiều cao khoảng 160m và dài 900m. Với 8 tuabin và tổng công suất lắp đặt lên đến 6.448MW, nhà máy điện này đóng vai trò quan trọng trong hệ thống năng lượng. Khởi công xây dựng vào năm 2006, thủy điện Hướng Gia Bá chính thức vận hành đầy đủ vào năm 2014, nhanh chóng trở thành một trong ba nhà máy thủy điện lớn nhất Trung Quốc, chỉ sau Tam Hiệp và Khê Lạc Độ.
Bên cạnh nhiệm vụ sản xuất điện năng khổng lồ, thủy điện Hướng Gia Bá còn góp phần kiểm soát lũ lụt, điều tiết dòng chảy và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội vùng.
Điện năng sản xuất từ đây được truyền tải đến Thượng Hải qua đường dây HVDC Xiangjiaba-Thượng Hải, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho một trong những trung tâm kinh tế lớn nhất của Trung Quốc. Với quy mô và công nghệ hiện đại, thủy điện Hướng Gia Bá không chỉ là một công trình năng lượng ấn tượng mà còn là biểu tượng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành thủy điện Trung Quốc.
Đập Cát Châu Bá
Đập thủy điện Cát Châu Bá nằm tại Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, nơi phân chia giữa thượng lưu và trung lưu sông Dương Tử. Đây là dự án thủy lợi lớn nhất mà Trung Quốc tự thiết kế, xây dựng, lắp đặt và vận hành trong thế kỷ 20.
Khởi công xây dựng vào năm 1970, đập thủy điện đầu tiên trên sông Dương Tử bắt đầu vận hành tổ máy phát điện đầu tiên vào năm 1981. Toàn bộ công trình Cát Châu Bá hoàn thành vào tháng 12/1988, với sự tham gia của hơn 100.000 chuyên gia thủy điện từ khắp Trung Quốc.
Tổng chiều dài của đập Cát Châu Bá là 2606,5m, với chiều cao tối đa 53,8m và dung tích hồ chứa 1,58 tỷ mét khối. Đập này có các chức năng chính là phát điện, kiểm soát lũ lụt và điều hướng giao thông đường thủy. Lưu lượng xả lũ lớn nhất hiện tại của đập có thể đạt 110.000 mét khối/giây.
Nhà máy thủy điện Cát Châu Bá có công suất lắp đặt 2,735 triệu kilowatt và sản xuất trung bình 16 tỷ kilowatt giờ điện mỗi năm.
Hành lang năng lượng sạch bậc nhất thế giới của Trung Quốc
Tháng 12/2022, khi nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than được đưa vào sử dụng, hành lang năng lượng sạch vĩ đại nhất thế giới đã chính thức hoàn thành. Hệ thống này bao gồm 6 nhà máy thủy điện, khai thác tối đa tiềm năng của dòng nước, sản xuất điện năng sạch một cách hiệu quả.
“Mỗi giọt nước đều được sử dụng để sản xuất điện 6 lần”, đại diện nhà máy Bạch Hạc Than chia sẻ với Thời báo Hoàn cầu. Theo đó, 1m3 nước có thể tạo ra 0,25kWh điện xanh khi đi qua nhà máy Tam Hiệp. Khi vận hành toàn bộ hệ thống 6 nhà máy, sản lượng điện cho mỗi m3 nước lên tới 2kW, tăng hiệu quả hoạt động lên 8 lần.
Với tổng công suất lắp đặt 71,695 triệu kilowatt, hành lang năng lượng sạch này sản xuất khoảng 300 tỷ kWh điện sạch mỗi năm, đủ đáp ứng nhu cầu điện cho 360 triệu người.
Tính đến tháng 2/2024, tổng sản lượng điện tích lũy của 6 nhà máy thủy điện lớn tại thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử đã vượt 3,5 nghìn tỷ kWh, tiết kiệm hơn 1 tỷ tấn than tiêu chuẩn và giảm 2,8 tỷ tấn CO2. Đây là đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc.
Hơn nữa, theo tính toán dựa trên mức tiêu thụ điện 713,7kWh cho mỗi 10.000 nhân dân tệ GDP, 6 nhà máy thủy điện bậc thang này đã mang lại hơn 48.000 tỷ nhân dân tệ cho sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ngoài sản xuất điện, các con đập dọc sông Dương Tử còn có khả năng điều tiết lũ lụt, cải thiện giao thông thủy và mang lại nhiều lợi ích khác.
Nhờ hệ thống 6 nhà máy thủy điện bậc thang, mực nước ở thượng nguồn sông Dương Tử được nâng cao, tạo điều kiện cho các tàu chở hàng lớn di chuyển trên những tuyến đường thủy vốn trước đây quá nông. Năm 2023, trung tâm Tam Hiệp tại tỉnh Hồ Bắc đã vận chuyển 172,34 triệu tấn hàng hóa bằng đường thủy, tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước và lập kỷ lục mới.
Tuy nhiên, việc xây dựng các đập thủy điện cũng đặt ra nhiều thách thức và vấn đề. Một số lo ngại bao gồm việc di dời dân cư, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và môi trường, cũng như nguy cơ tiềm ẩn về an toàn. Trung Quốc đã và đang nỗ lực để giải quyết những vấn đề này thông qua các biện pháp quản lý và công nghệ tiên tiến.
Với việc hoàn thành đập Tam Hiệp và 5 siêu đập khác, Trung Quốc đã tạo nên một hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới dọc theo sông Dương Tử. Những công trình này không chỉ cung cấp nguồn năng lượng tái tạo quan trọng mà còn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Tuy nhiên, để đảm bảo sự bền vững, Trung Quốc cần tiếp tục nỗ lực trong việc quản lý và bảo vệ môi trường, đồng thời phát triển các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu các tác động tiêu cực của các công trình thủy điện.
Tổng hợp: Sohu, Nhân dân Nhật báo, Global Times