Hé lộ quyển sách tỷ phú Phạm Nhật Vượng tâm đắc nhất, "mang văn hoá Vingroup" và thường xuyên được tặng cho nhân viên

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng chia sẻ trên báo chí về sở thích đọc sách và những cuốn sách mà ông tâm đắc.

Trong một cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi Trẻ, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có những chia sẻ thú vị về chuyện đọc sách của mình. Chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết, ông là người đọc sách rất nhiều nhưng sở thích thay đổi theo thời gian.

Khi còn nhỏ, ông thích đọc sách lịch sử và thuộc hết sử sách nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hậu Lê. Lên đại học, ông thích đọc tiểu thuyết. Giờ đây, khi đã vào top những người giàu nhất hành tinh, ông thích đọc sách về quản trị, công nghệ, những cuốn sách tổng kết về công nghệ, xu hướng công nghệ...

Là một người bận rộn nên ông Vượng có cách đọc sách rất khác. Hôm nào về đến nhà không quá mệt mỏi thì đọc, nếu không thì ngồi xem tivi cùng con gái một lúc rồi đi ngủ. Thay vì đọc toàn bộ, vị tỷ phú xem mục lục, chọn mục hay để đọc. Chỗ nào không hiểu hoặc thấy quan trọng, ông có thể đọc đi đọc lại vài ba lần.

"Cách làm của tôi là nếu đã làm thì sẽ tập trung hết sức vào việc. Tôi họp nhiều nhưng nhanh lắm. Chỉ 10-15 phút thôi, buổi nào nhiều mới là nửa tiếng. Làm việc nhiều và liên tục nên về đến nhà là cũng mệt nhoài rồi".

Ông Vượng tiết lộ, một trong những cuốn sách mà ông đã từng tặng cho các cán bộ của mình đọc, cũng như đã mang ra giảng nhiều lần cho nhân viên, là cuốn "Từ tốt đến vĩ đại" (Good to Great) của tác giả Jim Collins, một chuyên gia tư vấn quản lý tài năng và từng giảng dạy tại trường Stanford Business School. Lý do bởi trong đó có một thứ gần như văn hoá của Vingroup là tinh thần kỷ luật, tư tưởng kỷ luật.

Nhà lãnh đạo cấp độ 5

Nghiên cứu chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo mang đến sự chuyển đổi "Từ tốt đến vĩ đại" không phải là những người có sức lôi cuốn hay thể hiện ồn ào, thường họ sẽ thể hiện tính cách khiêm tốn thuyết phục, nhún nhường, dè dặt. Họ là sự kết hợp giữa khiêm tốn cá nhân và nghị lực làm việc. Những tổ chức muốn phấn đấu trở nên vĩ đại rất cần có được một "nhà lãnh đạo cấp độ 5".

Tác giả đã giải thích sự lãnh đạo theo 5 cấp độ khác nhau và cấp độ 5 là cấp độ cao nhất trong hệ thống phân cấp. Sau đây là những đặc điểm của nhà lãnh đạo cấp độ 5:

- Họ là những người tham vọng, dĩ nhiên, nhưng tham vọng trước hết là vì công ty, chứ không phải vì bản thân họ.

- Họ là những người lãnh đạo dè dặt nhưng thể hiện sự quyết liệt để hoàn thành công việc.

- Họ là người nghĩ về tương lai của công ty khi không có họ và lên kế hoạch cho sự kế thừa.

- Họ là người khiêm tốn và hiếm khi nói về bản thân và thành tích của mình. Họ thích chia sẻ kinh nghiệm của bản thân với những người khác. Trái ngược với lãnh đạo những công ty tốt khác, ám ảnh và tự phụ.

- Họ luôn ghi nhận thành công cho những người khác, còn nếu không có ai để công nhận, họ sẽ nhận định đó là sự "May mắn".

- Khi mọi việc không như ý muốn, họ sẽ nhận toàn bộ trách nhiệm.

Con người đi trước, công việc theo sau

Những công ty vĩ đại đưa vấn đề con người đi trước vấn đề công việc, trước tầm nhìn, trước chiến lược, chiến thuật, trước tổ chức công ty, trước công nghệ. Đối với họ, con người không phải là tài sản quan trọng nhất. Con người phù hợp mới chính là tài sản quan trọng nhất.

Việc đầu tiên những nhà lãnh đạo khởi xướng quá trình chuyển đổi từ tốt đến vĩ đại làm không phải là định hướng xem sẽ lái chuyến xe buýt đi đâu rồi kêu gọi mọi người lên xe. Không, đầu tiên họ tìm cho đúng người để mời lên xe (và mời những người không phù hợp xuống xe), rồi mới nghĩ xem sẽ lái chiếc xe về đâu.

Có 3 nguyên tắc khi tuyển người và sử dụng người trong những công ty vĩ đại, đó là:

- Khi còn do dự, đừng tuyển vội và tiếp tục tìm kiếm. Các công ty vĩ đại không theo đuổi mô hình quản trị thử nhiều người, chọn một người. Thay vào đó, họ áp dụng phong cách sau: "Hãy dành thời gian khắc nghiệt tuyển những người A+ ngay từ đầu”.

- Khi biết phải thay đổi nhân sự, hãy hành động ngay. Do dự để người không phù hợp vẫn làm việc là không công bằng với những người phù hợp. Tệ hơn là điều này có thể đẩy những người phù hợp ra đi.

- Những công ty vĩ đại bao gồm những nhà lãnh đạo cấp độ 5 và cộng sự, chứ không phải những thiên tài và vạn người giúp việc (như ở những công ty đối trọng). Những công ty vĩ đại đặt trọng tâm lên các tính cách cá nhân nhiều hơn trình độ học vấn, kỹ năng thực dụng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc.

Đối mặt với sự thật phũ phàng nhưng không bao giờ mất niềm tin

Tất cả những công ty nhảy vọt đều bắt đầu quá trình đi tìm con đường đến vĩ đại bằng cách đối diện với sự thật phũ phàng của hiện tại. Vì không thể nào đưa ra những quyết định đúng mà không nghiên cứu toàn bộ quá trình với một sự đối mặt trung thực với thực tại.

Một nhiệm vụ chính trong việc đưa công ty từ tốt đến vĩ đại là tạo một văn hóa trong đó mọi người có nhiều cơ hội được lắng nghe và đỉnh cao là sự thật được lắng nghe. Nó bao gồm 4 hành động cơ bản:

1. Lãnh đạo bằng câu hỏi, không phải bằng câu trả lời.

2. Tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận, đừng ép buộc.

3. Thực hiện các cuộc phân tích, không đổ lỗi.

4. Thiết lập chế độ cờ đỏ để đưa thông tin lên thành thông tin không thể bỏ qua.

Những công ty nhảy vọt cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn như những công ty đối trọng, nhưng họ phản ứng lại rất khác nhau. Họ đối mặt trực diện với tình hình. Kết quả là họ trở nên mạnh mẽ hơn sau đó.

Khái niệm con nhím và sự đơn giản trong ba vòng tròn

Chương này đến từ sự khác nhau giữa loài cáo và loài nhím. Cáo là loài biết rất nhiều, rất khôn ngoan, trong khi nhím là loài chỉ biết mỗi một thứ duy nhất nhưng có sự hiểu biết rất sâu sắc. Nhím luôn có khả năng nhìn thấu những vấn đề phức tạp qua những cái nhìn rất đơn giản và dễ hiểu.

Để đi từ tốt lên vĩ đại đòi hỏi phải có sự thấu hiểu sâu sắc ba vòng tròn giao nhau, được diễn dịch thành một khái niệm rõ ràng và đơn giản (khái niệm con nhím):

Vấn đề quan trọng là phải thấu hiểu tổ chức của bạn có thể trở thành giỏi nhất thế gì trong lĩnh vực gì và cũng không kém quan trọng là không thể giỏi nhất trong lĩnh vực gì – chứ không phải là bạn “muốn” giỏi nhất trong lĩnh vực gì. Khái niệm con nhím không phải là một mục tiêu, một chiến lược, một dự định. Đó là một sự thấu hiểu.

Việc thấu hiểu vấn đề “giỏi nhất thế giới” là một tiêu chuẩn khắt khe hơn thế mạnh. Bạn có thể có thế mạnh nhưng không có nghĩa là bạn sẽ giỏi nhất thế giới trong lợi thế đó. Ngược lại, có nhiều hoạt động bạn có thể trở thành giỏi nhất trên thế giới, nhưng những điều ấy hiện tại bạn đang không làm.

Văn hóa kỷ luật

Tổ chức vĩ đại = Văn hóa kỷ luật + Tinh thần dám nghĩ dám làm cao.

Công ty vĩ đại xây dựng sự tự do và trách nhiệm trong khuôn khổ: Văn hóa kỷ luật phải bắt đầu từ những con người kỷ luật, các công ty vĩ đại tuyên dụng những con người có kỷ luật và không cần phải được quản lý, sau đó họ quản lý hệ thống, chứ không quản lý con người.

Các công ty vĩ đại đưa chuẩn mực lên một tầm cao mới. Họ xây dựng một văn hóa kỷ luật bền vững dựa trên ba vòng tròn. Trong khi các công ty ngắn ngày với nhà lãnh đạo cấp độ 4 áp dụng kỷ luật lên công ty bằng quyền lực và chế độ độc tài của mình. Kết quả là những công ty ngắn ngày có một sự vượt trội đáng kinh ngạc dưới quyền một người có kỷ luật thép, sau đó cũng là một sự tụt dốc cũng không kém phần kinh ngạc khi nhà độc tài ra đi mà không để lại văn hóa kỷ luật thật sự.

Công nghệ mới là bàn đạp hướng đến mục tiêu, không phải là mục tiêu

Khái niệm con nhím sẽ quyết định về việc áp dụng công nghệ, chứ không phải ngược lại. Đối với công ty nhảy vọt, công nghệ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân của đà đi tới. Những công ty vĩ đại chỉ có 20% sự thành công là do công nghệ và 80% là do văn hóa công ty.

Các công ty nhảy vọt đi tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới một cách chọn lọc.

Các công ty vĩ đại thường xuyên đặt câu hỏi: “Liệu công nghệ này có phù hợp với khái niệm con nhím của tôi không?”. Nếu có, họ phải là nhà tiên phong trong công nghệ đó. Nếu không, họ sẽ tự hỏi tiếp: “Vậy có cần thiết phải có công nghệ này không?”. Nếu có, họ chỉ cần áp dụng để theo kịp đối thủ, chứ không cần là nhà tiên phòng. Nếu không, họ bỏ qua công nghệ này.

Những công ty vĩ đại không lo tụt hậu về công nghệ, họ giữ được quan điểm cân bằng về công nghệ. Họ bình thản và không vồn vã chạy theo những thay đổi. Động lực của họ là sự sáng tạo và sự vươn lên xuất sắc. Ngược lại, những công ty tầm thường vồn vã, lo sợ trước những thay đổi công nghệ như những chú gà con sợ trời sập. Động lực của họ là sự lo sợ bị tụt hậu.