Khu đất "kim cương" 161 Yên Phụ gắn với tên của Tân Hoàng Minh và Ngọc Linh (Nguồn: Internet)
620 tỷ đồng chi trả cho khu đất “kim cương” được Tân Hoàng Minh lấy từ tiền huy động trái phiếu trái phép
Cuối tháng 9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03) Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh), hé lộ chiêu thức huy động trái phiếu cũng như “điểm đến” của dòng tiền “khổng lồ” 14.000 tỷ đồng.
Theo đó, đầu năm 2021, trong bối cảnh tài chính của Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn, trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn cũng như có nguồn tiền mua bán dự án, cựu Chủ tịch Đỗ Anh Dũng đã chỉ đạo con trai thứ là Đỗ Hoàng Việt, lúc này là Phó tổng giám đốc tài chính cùng thuộc cấp “làm đẹp” hồ sơ của các công ty con để phát hành trái phiếu riêng lẻ rồi sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, lấy uy tín của Tập đoàn để tạo dựng lòng tin của nhà đầu tư thứ cấp. Kết quả, Tân Hoàng Minh huy động được gần 14.000 tỷ đồng từ các trái chủ.
Cơ quan điều tra xác định, với 14.000 tỷ đồng huy động được, ông Đỗ Anh Dũng đã sử dụng 5.165 tỷ đồng để “quay vòng”, chi trả cho nhà đầu tư đến hạn trước. Số còn lại được dùng để trả nợ đến hạn, quá hạn cho ngân hàng và để đầu tư.
Cụ thể, Tân Hoàng Minh đã chi 1.976 tỷ đồng để thanh toán nợ đến hạn, quá hạn cho hai ngân hàng SHB và Agribank. Tập đoàn này cũng dành ra 3.835 tỷ đồng để mua cổ phần và hợp tác đầu tư dự án, bao gồm: 1.475 tỷ đồng mua cổ phần của Công ty Thiên Bảo Phú Quốc; 1.050 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Bình Minh; 370 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Nam Anh Tú; 320 tỷ đồng mua cổ phần Công ty Sao Đỏ Đà Nẵng; 585 tỷ đồng đặt cọc khi tham gia đấu giá đất ở Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh) và 620 tỷ đồng mua dự án tại Yên Phụ.
Còn nhớ, hồi tháng 1/2022, dự án 161 Yên Phụ bất ngờ xuất hiện loạt hàng rào mới ghi tên Tân Hoàng Minh Group - Ngọc Linh, đã có không ít câu hỏi được đặt ra xoay quanh mối quan hệ giữa Tân Hoàng Minh và chủ đầu tư Ngọc Linh cũng như số tiền mà Tập đoàn này phải bỏ ra để sở hữu “đất kim cương” và liệu rằng, sự xuất hiện của Tân Hoàng Minh có thể “gỡ tấm chiếu” đã phủ nhiều năm tại dự án này, hay 161 Yên Phụ sẽ chỉ nối dài danh sách dự án chậm tiến độ của Tập đoàn.
Chưa đầy hai năm, câu trả lời dường như đã rõ, tại khu đất đắc địa bậc nhất quận Tây Hồ, không có động thái triển khai khởi công nào, chỉ có lùm xùm ngày một “chồng chất”.
Khu đất “kim cương” “đắp chiếu” gần 2 thập kỷ
Dự án 161 Yên Phụ (tên đầy đủ là Dự án Xây dựng khu cây xanh, kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ công cộng 161 Yên Phụ, nằm trên khu đất rộng gần 4.000m2 hiếm hoi còn sót lại cạnh hồ Tây, phía bắc giáp dự án Sanrio Hello Kitty World Hanoi; phía đông và phía tây nằm tiếp giáp mặt đường Yên Phụ và Nghi Tàm. Vị trí này được các chuyên gia bất động sản đánh giá là “có một không hai” về tiềm năng thương mại và du lịch, khi sở hữu hai mặt tiền với tầm nhìn thoáng, lại cách không xa vùng lõi Hà Nội và nằm trong “quần thể” khách sạn nổi tiếng gồm Intercontinental Hanoi Westlake, Sheraton, Thắng Lợi,…
Toàn cảnh khu đất 161 Yên Phụ (Nguồn: Internet)
Theo giới chuyên gia nhận định lúc bấy giờ thì đây là một trong những dự án trọng điểm của TP. Hà Nội. Thế nhưng, từ khi được cấp phép triển khai đến nay, đã gần 2 thập kỷ, khu đất này vẫn “án binh bất động”.
Theo tìm hiểu, cuối năm 2004, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 9766/QĐ-UB về việc cho phép Công ty TNHH Ngọc Linh làm thủ tục nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng có tính chất kinh doanh tại số 151 Yên Phụ (nay là số 161 Yên Phụ), phường Yên Phụ, quận Tây Hồ.
Đến ngày 13/7/2007, UBND TP. Hà Nội có Quyết định 2867/QĐ-UB cho phép Ngọc Linh sử dụng 3.931 m2 đất tại 151 Yên Phụ để thực hiện dự án xây dựng khu cây xanh kết hợp sân thể thao và công trình dịch vụ có tính chất kinh doanh. Cụ thể, trong tổng số diện tích này, có 1.530m2 đất giới hạn để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công có tính chất kinh doanh (trong đó có 312 m2 đất giới hạn để xây dựng công trình, tuyệt đối không được xây dựng nhà ở bán và cho thuê); 1.931 m2 đất chỉ được phép sử dụng tạm thời làm sân thể thao, bãi đỗ xe;…
Đến tháng 3/2013, TP. Hà Nội tiếp tục có văn bản điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất của dự án. Sau điều chỉnh, 1.530m2 đất nằm ngoài chỉ giới đường đỏ của khu đất được dùng để trồng cây xanh, xây dựng hạ tầng kỹ thuật và công trình dịch vụ công cộng có tính chất kinh doanh, trong đó 312m2 đất để xây dựng công trình. Quyết định năm 2013 cũng nêu rõ, tuyệt đối không được xây dựng nhà ở để bán và cho thuê; khu đất được giao có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng 50 năm.
Trải qua nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2019, UBND quận Tây Hồ và TP Hà Nội đã phê duyệt kế hoạch thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, khu đất vẫn bị bỏ hoang xanh cỏ. Trong khi đó, không chỉ có Tân Hoàng Minh là đơn vị “nhảy” vào sau, mà chủ đầu tư Ngọc Linh cũng vướng phải không ít bê bối về tài chính.
Chủ đầu tư Ngọc Linh bị siết nợ nghìn tỷ
Một tháng sau khi Tân Hoàng Minh bị bắt, đến lượt chủ đầu tư dự án 161 Yên Phụ bị ngân hàng “siết nợ”. Ngày 8/6/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV Nam Hà Nội) đã bán đấu giá khoản nợ nghìn tỷ của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Theo đó, khoản nợ của Ngọc Linh tại BIDV gồm toàn bộ dư nợ gốc và dư nợ lãi phát sinh đến ngày 30/4/2022 là 2.198,4 tỷ đồng và 20.036.077,90 USD. Trong đó, dư nợ gốc là hơn 1.110 tỷ đồng và 11.887.975,00 USD; dư nợ lãi, phí phạt là 1.088 tỷ đồng và và 8.148.102,90 USD.
Được biết, tài sản bảo đảm cho khoản nợ trên gồm: Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn tại thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cùng một loạt các công trình, mỏ nguyên liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho nhà máy này; quyền khai thác mỏ chì kẽm Bó Liều tại xã Đồng Lạc và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn; và quyền sử dụng 14.500m2 đất nông nghiệp tại xã Lạc Hồng huyện Mỹ Văn (nay là huyện Văn Lâm), tỉnh Hưng Yên.
Bên cạnh đó, Ngọc Linh còn mang hai tài sản khác đi thế chấp, bao gồm: 1 xe ô tô Lexus LS 460 màu đen, năm sản xuất 2007 thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp; quyền sở hữu và quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của ông Vũ Đức Tuấn và bà Trần Thị Vui tại địa chỉ 381 đường Giải Phóng, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây cũng chính là trụ sở của Công ty TNHH Ngọc Linh.
Cần biết, đây không phải là lần đầu tiên khoản nợ của Ngọc Linh được rao bán. Trong giai đoạn 2020 – 2022, BIDV đã thực hiện tới 10 lần bán đấu giá nhưng đều bất thành, dù đã liên tục giảm giá.
Trong suốt thời gian bị Ngọc Linh bị ngân hàng rao bán tài sản, thông tin về việc chủ đầu tư dự án 161 Yên Phụ vốn là một “tay ngang” cũng được biết đến nhiều hơn.
Trụ sở Công ty TNHH Ngọc Linh (Nguồn: Internet)
Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này có tuổi đời khá lâu, được thành lập từ năm 1993, hoạt động chính trong lĩnh vực Khai thác quặng kim loại khác không chứa sắt. Cổ đông sáng lập của Ngọc Linh gồm ông Vũ Đức Tuấn và vợ là bà Trần Thị Vui. Trong đó, ông Tuấn là Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp hiện là 500 tỷ đồng. Trong đó, ông Vũ Đức Tuấn nắm 99,98%, còn bà Trần Thị Vui nắm 0,02%.
Trước khi “lấn sân” sang địa hạt bất động sản, Ngọc Linh đã tạo được không ít dấu ấn trong lĩnh vực khai khoáng. Như đã nói ở trên, doanh nghiệp này là chủ đầu tư Nhà máy Điện phân chì kẽm Bắc Kạn, công suất 30.000 tấn/năm. Dự án được UBND tỉnh Bắc Kạn cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007 với tổng vốn đầu tư 789 tỷ đồng, trong đó, vốn tự có là 180 tỷ đồng, còn lại là vốn vay. Sau 8 lần thay đổi giấy chứng nhận đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án được nâng lên tới 2.170 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau 10 năm hoạt động, dự án này vẫn chua vận hành suôn sẻ.
Ngoài ra, Ngọc Linh còn sở hữu quyền khai thác mỏ Bó Liều theo giấy phép khai thác số 1094a/GP-UBND ngày 21/6/2011 của tỉnh UBND Bắc Kạn. Mỏ này có diện tích khai thác 102,5 ha; trữ lượng được khai thác 80.000 tấn quặng chĩ kẽm; công suất khai thác 20.000 tấn/năm.
Với cơ ngơi nghìn tỷ, khi chuyển sang sân chơi địa ốc, doanh nghiệp này đã thâu tóm được không chỉ một mà là hai dự án “đất vàng”. Bên cạnh dự án 161 Yên Phụ, Ngọc Linh còn là chủ đầu tư dự án Ngọc Linh Plaza - một tổ hợp dịch vụ, thương mại, văn phòng, căn hộ chung cư cao cấp 35 tầng có quy mô hơn 7.000 m2 tại số 34 Đại Từ, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội. Tuy nhiên, cùng chung cảnh ngộ với 161 Yên Phụ, dự án này hiện vẫn đang “án binh bất động”.
Sở hữu nhiều dự án đắt giá nhưng vẫn bị ngân hàng siết nợ, đó là điểm khiến giới dư luận không khỏi bất ngờ. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với kết quả kinh doanh và tình hình tài chính của Ngọc Linh, điều này lại không quá khó hiểu. Theo dữ liệu của Người quan sát, tính đến cuối năm 2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 3.229,8 tỷ đồng, trong đó, nợ phải trả chiếm tới 2/3.
Về kết quả kinh doanh, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu và lợi nhuận của Ngọc Linh cũng cũng rất khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản. Năm 2019, mặc dù ghi nhận doanh thu cao nhất trong vòng 3 năm, đạt 50,9 tỷ đồng, nhưng doanh nghiệp này chỉ lãi vỏn vẹn 730 triệu đồng.