Theo tờ South China Morning Post (SCMP), Trung Quốc đang xây dựng đường hầm cao tốc dài nhất thế giới - một dự án sẽ xuyên qua qua một trong những dãy núi dài nhất hành tinh và mở ra những con đường mới để thúc đẩy giao thương giữa khu tự trị Tân Cương của Trung Quốc và khu vực Trung Á.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết, đường hầm Tianshan Shengli - một đoạn quan trọng của đường cao tốc Urumqi-Yuli - sẽ đóng vai trò là tuyến giao thông then chốt giữa nửa phía nam và phía bắc của Tân Cương.
Đây được coi là dự án lớn nhất và khó khăn nhất mà Trung Quốc từng thực hiện. Khu tự trị Tân Cương hiện đang bị dãy núi Thiên Sơn hùng vĩ chia cắt về mặt địa lý thành phía bắc Tân Cương và phía nam Tân Cương. Một khi đường hầm cao tốc này xây dựng xong, rào cản tự nhiên này sẽ được khắc phục.
Đường hầm Tianshan Shengli có tổng chiều dài 22,1km khi hoàn thành và là đường hầm dài nhất thế giới hiện đang được xây dựng. Đường hầm áp dụng phương pháp xây dựng 3 lỗ và 4 trục dọc, tận dụng lợi thế đào nhanh của cỗ máy đào sử dụng công nghệ TBM.
Máy TBM là máy đào đường mới đầu tiên trên thế giới sử dụng phương pháp phun áp lực kết hợp với các ứng dụng thông minh kết nối mạng 5G, toàn bộ máy dài khoảng 282m, nặng khoảng 2.000 tấn, kích thước tiết diện đào là 8430mm. Máy TBM có thể làm việc trong môi trường địa chất phức tạp nhất.
Do địa điểm xây dựng nằm ở khu vực không có người ở, cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt và địa chất phức tạp, có cường độ địa chấn cao… khiến việc thi công đường hầm gặp nhiều rủi ro, vô cùng khó khăn.
Vì vậy, Trung Quốc đã xây dựng một số giải pháp thông tin và sử dụng các công nghệ 5G như ứng dụng hệ thống định vị nhân sự, thiết bị lái xe không người lái, phân tích cảm biến để cố gắng hoàn thành đường hầm Tianshan Shengli trong thời gian ngắn nhất với chất lượng cao nhất.
Dự kiến thông xe vào cuối tháng 10/2025, đường hầm Tianshan Shengli sẽ giảm thời gian di chuyển qua dãy núi Thiên Sơn xuống còn khoảng 20 phút và hành trình từ thủ phủ Urumqi đến Korla - hai thành phố đông dân nhất Tân Cương - sẽ rút ngắn thời gian từ hơn 7 tiếng xuống còn khoảng 3 tiếng.
Theo SCMP, Trung Quốc đang tìm cách khai thác lợi thế đặc biệt về địa lý của Tân Cương - khu vực biên giới Trung Quốc giáp với nhiều quốc gia bao gồm: Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Pakistan - những quốc gia đóng vai trò quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường.