Theo Ban tổ chức, những khám phá của hai nhà khoa học David Julius và Ardem Patapoutian đã giúp giải thích cách thức hệ thống thần kinh của con người phát đi các tín hiệu đối với nhiệt độ nóng - lạnh và xúc giác. Các kênh ion được xác định là quan trọng đối với nhiều quá trình sinh lý và tình trạng bệnh tật.
David Julius đã sử dụng capsaicin, một hợp chất từ ớt gây ra cảm giác nóng rát khi tiếp xúc, để xác định một cảm biến trong các đầu dây thần kinh của da phản ứng với nhiệt. Trong khi đó, Ardem Patapoutian sử dụng các tế bào nhạy cảm với áp suất để khám phá ra một lớp cảm biến mới phản ứng với các kích thích cơ học trong da và các cơ quan nội tạng.
Theo thông cáo của Hội đồng Nobel, “Những phát hiện mang tính chất đột phá này đã tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động nghiên cứu mạnh mẽ giúp gia tăng sự hiểu biết của chúng ta về cách hệ thần kinh cảm nhận các kích thích nóng, lạnh và cơ học. Những nhà khoa học đoạt giải đã xác định được các mối liên hệ quan trọng còn thiếu trong hiểu biết về sự tương tác phức tạp giữa các giác quan của chúng ta và môi trường”.
Năm 2020, giải Nobel Y Sinh được trao cho 3 nhà khoa học Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M. Rice (Mỹ) với công trình nghiên cứu về virus viêm gan C.
Noble Y Sinh là giải Nobel đầu tiên được công bố hằng năm. Ngày 5/10, chủ nhân giải Nobel Vật lý 2021 sẽ chính thức được tiết lộ, tiếp đó là giải Nobel Hóa học (6/10), Văn học (7/10), Hòa bình (9/10) và Kinh tế (11/10). Năm nay, mỗi giải thưởng Nobel sẽ được trao 10 triệu krona Thụy Điển (1,14 triệu USD), tương đương với mức thưởng năm ngoái, mỗi giải sẽ được chia đều cho những người được trao.
Đại dịch COVID-19 khiến lễ trao giải thưởng Nobel theo truyền thống phải điều chỉnh hình thức tổ chức trong hai năm liên tiếp, song không thể thay đổi thời điểm công bố chủ nhân của các giải thưởng danh giá thường niên vốn rất được mong chờ này.
112 giải Nobel Y sinh đã được trao từ năm 1901 đến 2021 cho 224 cá nhân, trong đó 39 giải được trao cho 1 nhà khoa học, 34 giải được chia sẻ bởi 2 nhà khoa học, và 39 giải được chia sẻ bởi 3 nhà khoa học. Tổng cộng đã có 12 nhà khoa học nữ được vinh danh. Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y sinh là ông Frederick Banting, nhà sinh lý học người Canada khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Ông nhận giải năm 1923, khi mới 32 tuổi. Chủ nhân lớn tuổi nhất của Giải Nobel Y sinh là bác sĩ Francis Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu khám phá vai trò của các virus trong việc truyền một số loại bệnh ung thư. |