Hà Nội triển khai nhiều mô hình PCCC đang phát huy được hiệu quả nhất định

(CL&CS)- Quá trình triển khai công tác PCCC, các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình đang phát huy được hiệu quả nhất định.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội xảy ra 127 vụ cháy (số liệu được tính trong 6 tháng đầu năm 2023) khiến 6 người chết, 9 người bị thương cùng thiệt hại lớn về tài sản. Trong số 127 vụ cháy, có nhiều trường hợp là cháy nhà dân trong các con ngõ nhỏ và sâu hay các tầng bị bịt kín bởi "chuồng cọp", không có lối thoát hiểm thứ 2,... khiến lực lượng chức năng rất khó để tiếp cận và khống chế ngọn lửa.

Trước tình hình trên, để đảm bảo công tác PCCC tại các khu dân cư nằm trong ngõ nhỏ, thành phố Hà Nội nói chung và các quận, huyện đã đồng loạt triển khai các mô hình PCCC như: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC;... Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy được hiệu quả nhất định, hỗ trợ không nhỏ trong việc khống chế, dập tắt các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.

Trên địa bàn Hà Nội đã thành lập, duy trì hoạt động 7.223 tổ liên gia an toàn PCCC; xây dựng, lắp đặt 18.201 điểm chữa cháy công cộng. Đã tổ chức thực tập 1.044 phương án chữa cháy tại các tổ liên gia trên địa bàn 579 phường, xã, thị trấn.

Quá trình triển khai, nhiều đơn vị đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền đến người dân. 

Điền hình như Công an quận Hoàng Mai đã tham mưu cho UBND quận Hoàng Mai đã ban hành hàng loạt các kế hoạch về tuyên truyền, phổ biến pháp luạt và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng. Tổ chức và thành lập 699 mô hình Tổ liên gia an toàn về PCCC theo tiêu chí của Bộ Công an, đưa vào hoạt động 1453 điểm chữa cháy công cộng và tổ chức diễn tập 15 phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại tổ liên gia an toàn PCCC. Xây dựng tờ rơi nội dung hướng dẫn phương án chữa cháy và thoát nạn triển khai tại từng hộ gia đình để người dân chủ động nghiên cứu, tìm hiểu vận dụng khi cần thiết…

Tại huyện Thanh Trì, Công an huyện đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch số 85 và số 100 về việc nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về phòng cháy, chữa cháy” và xây dựng thí điểm mô hình “điểm chữa cháy công cộng” tại các khu dân cư, tổ dân phố và tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cộng đồng trên địa bàn huyện Thanh Trì.

Bên cạnh đó, Công an huyện Thanh Trì đã triển khai xây dựng 124 Tổ liên gia an toàn về PCCC, thành lập và duy trì hoạt động đối với 628 điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ có chiều dài lớn hơn 50m mà xe chữa cháy không tiếp cận được theo tiêu chí của Bộ Công an, thành lập 14 Cụm liên kết an toàn về PCCCb trong các cụm công nghiệp,…

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Chất lượng và cuôc sống, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển – Thanh Trì Nguyễn Thị Hương cho biết: Từ khi địa phương áp dụng mô hình điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ, hẻm nhỏ kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC thì công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn đã được nâng cao, mỗi người dân đều có khả năng xử lý các đám cháy nhỏ.

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển – Thanh Trì 

Theo Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển, mặc dù có thiết bị và kiến thức về PCCC nhưng người dân không nên chủ quan, khi xảy ra cháy phải kết hợp khống chế đám cháy trong khả năng cho phép, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và ngay lập tức liên hệ lực lượng chức năng.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Hà Nội, 2 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng sẽ góp phần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC. Bên cạnh 2 mô hình này, việc triển khai đồng bộ và phù hợp 4 mô hình PCCC khác như: Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; Cụm liên kết Làng nghề an toàn; Cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; Cụm liên kết an toàn PCCC rừng cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa do các vụ hỏa hoạn gây ra.

Bên cạnh các mô hình PCCC mới đang được thành phố Hà Nội triển khai, ông Bùi Xuân Thái, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng đề xuất mỗi hộ gia đình đều cần xây dựng 1 "lối thoát hiểm thứ 2" trước tình trạng các vụ cháy nhà chuồng cọp gây hậu quả nghiêm trọng đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều.

Theo ông Thái, hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội đều có tâm lý hàn khung sắt, bịt kín ban công phía trước ở các tầng cao như "chuồng cọp" để chống trộm, bên cạnh đó, thiết kế nhà ống với 1 lối ra phía trước là lối kiến trúc phổ biến, phù hợp với điều kiện đất chật người đông như ở Hà Nội và có thể kết hợp ở và kinh doanh. Chính điều này vô tình gây cản trở, khiến việc thoát ra khỏi đám cháy gặp khó khăn, chưa kể lực lượng chức năng cũng mất nhiều thời gian để phá cửa, cắt khung sắt để tiếp cận, giải cứu người bị nạn.

Để người dân Thủ đô nâng cao ý thức, chủ động phòng chống hỏa hoạn, UBND thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Công văn có nội dung đáng chú ý, yêu cầu các đơn vị vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2".

Khi các tiêu chí an toàn phòng cháy với nhà riêng lẻ, nhất là những căn nhà ống, ngõ nhỏ được xây dựng từ trước được đảm bảo, quy định về phòng cháy với nhà xây mới được tuân thủ, hậu quả của các vụ hỏa hoạn cũng sẽ được giảm thiểu.

TIN LIÊN QUAN