Mục đích của đề án là tổ chức quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ; huy động sự vào cuộc tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu các sở, ban, ngành; chính quyền các địa phương; nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện đề án.
Cụ thể, các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân hiểu, nhận thức rõ mục tiêu tổng thể của đề án là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Việc khai thác ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử có ý nghĩa rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng đến chính phủ số giai đoạn 2022-2030.
Việc triển khai thực hiện đề án phải thực hiện đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất, liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Tổ giúp việc của Thủ tướng Chính phủ, giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Chỉ đạo thành phố trong thực hiện đề án.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao nhiệm vụ cho Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND thành phố ký chương trình phối hợp với các cơ quan báo chí trung ương và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về Đề án số 06 gắn với Luật Cư trú, Luật Căn cước công dân và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân trong việc thực hiện đề án. Trong đó, các đơn vị phối hợp gồm: Công an thành phố, Văn phòng UBND thành phố, Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã.
Công an TP Hà Nội được giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì tham gia phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, rà soát tham mưu, đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, hoàn thiện chính sách pháp luật có liên quan đến việc quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các quy định của pháp luật để sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, trước mắt tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển cung cấp ứng dụng, dịch vụ số liên quan đến thông tin dân cư; sửa đổi Luật Căn cước công dân và các văn bản hướng dẫn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện phát triển chính phủ số trong thời gian tới; xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân…
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng đề nghị Công an TP phối hợp xây dựng cơ chế thanh tra, kiểm tra cán bộ sử dụng dữ liệu công dân qua khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư qua việc kết nối, chia sẻ, khai thác dữ liệu với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bảo đảm đúng mục đích, yêu cầu, phòng, chống lộ lọt dữ liệu.