Theo đó, người có biểu hiện bệnh viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 bắt buộc phải sử dụng khẩu trang. Tất cả mọi người, trừ trẻ em dưới 5 tuổi, khi đến nơi công cộng thuộc khu vực đã được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc 4, cũng phải đeo khẩu trang. Hiện tất cả tỉnh thành ở Việt Nam vẫn đang ở cấp độ dịch 1 - màu xanh.
Tại cơ sở y tế, nơi cách ly y tế, nơi lưu trú có người cách ly hoặc giám sát y tế, tất cả phải đeo khẩu trang, trừ những người cách ly ở trong phòng đơn, người bị suy hô hấp, người đang phải thực hiện thủ thuật y tế, trẻ em dưới 5 tuổi.
Khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng, quy định bắt buộc đeo khẩu trang áp dụng với hành khách; người điều khiển, người phục vụ trên phương tiện; người lao động tại nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà chờ, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, khi tiếp xúc với hành khách.
Tại nơi có không gian kín, thông khí kém (quán bar, vũ trường; karaoke; cơ sở dịch vụ xoa bóp, làm đẹp; phòng tập thể dục, thể hình; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống phục vụ tại chỗ; rạp chiếu phim, nhà hát, rạp xiếc, nhà thi đấu, trường quay), nhân viên phục vụ, người bán hàng, người quản lý, người lao động khi tiếp xúc với khách hàng cũng phải đeo khẩu trang.
Quy định này cũng áp dụng với nhân viên phục vụ, người quản lý, người lao động, người bán hàng khi tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và người tham dự tại cơ sở văn hóa, du lịch, nơi tổ chức sự kiện tập trung đông người, nơi tiếp nhận hồ sơ, nơi giao dịch.
Các trường hợp khác được khuyến khích sử dụng khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu UBND các quận/huyện/thị xã chịu trách nhiệm toàn diện trong phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Các địa phương cần triển khai quyết liệt việc rà soát, vận động các đối tượng tham gia tiêm vắc xin Covid-19, nhất là với các nhóm nguy cơ cao.
Chỉ đạo tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cơ sở theo diễn biến dịch, giám sát người nhiễm Covid-19 tại nhà, quản lý chặt chẽ đối tượng nguy cơ khi mắc Covid-19 để chuyển viện kịp thời, tránh để bệnh nặng mới chuyển viện.
Đối với Sở Y tế Hà Nội, UBND Thành phố yêu cầu đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, từ đó chủ động tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố triển khai kịp thời các biện pháp phòng; tăng cường phòng dịch tại các cơ sở giáo dục, giám sát tại các cửa khẩu, trong các cơ sở y tế và tại cộng đồng... không để dịch bệnh lây lan ra cộng đồng; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để chủ động phát hiện sớm các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
TP Hà Nội yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan chủ động cung cấp các thông tin về tình hình dịch và khuyến cáo người dân thực hiện thông điệp “2K” (khẩu trang và khử khuẩn) của Bộ Y tế trên các phương tiện giao thông công cộng tại các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Thông tin về lợi ích, tác dụng của vắc xin, vận động người dân tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị vận tải thực hiện nghiêm hướng dẫn của Bộ Y tế về sử dụng khẩu trang phòng, chống dịch Covid-19 tại nơi công cộng đối với người phục vụ và hành khách tham gia giao thông.