Sáng 9/1, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND TP. Hà Nội tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đại diện cho đơn vị tư vấn lập quy hoạch, GS. TS. Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân cho biết, dự thảo quy hoạch Thủ đô có định hướng phát triển Trung tâm tài chính Hoàn Kiếm giai đoạn đến năm 2030. Đây sẽ là nơi đặt trụ sở các tổ chức tài chính lớn với dịch vụ tài chính số làm trung tâm, hệ thống thông tin kết nối, hệ thống đăng ký, kết nối thông tin giao dịch...
Về phương án phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch Thủ đô xác định có 13 tuyến đường bộ cao tốc, 10 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài khoảng 168km và 38 tuyến đường tỉnh với 390km.
Quy hoạch cũng định hướng phát triển 14 bến xe khách (đã có 6 bến đang khai thác), 8 bến xe tải (đã có 1 bến khai thác).
Đối với cầu vượt sông, quy hoạch xác định có 18 cầu vượt sông Hồng (6 cầu đang khai thác, 3 cầu đang thực hiện đầu tư, 9 cầu chưa được đầu tư), sông Đuống có 4 cầu đã được hình thành.
Với hệ thống đường sắt, quy hoạch định hướng phát triển 14 tuyến đường sắt đô thị, 2 tuyến tàu điện một ray (Monorail) và 4 tuyến đường sắt quốc gia kết nối.
Sơ đồ định hướng phát triển giao thông vận tải
Góp ý cho kế hoạch này, TS. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho rằng, dự thảo quy hoạch đề ra mục tiêu xây dựng 14 tuyến đường sắt đô thị từ nay đến 2030 rất khó thực hiện vì chỉ còn 6 năm là đến 2030.
Nhận định giao thông công cộng Hà Nội mới đáp ứng được 28% nhu cầu đi lại của người dân, trong khi mô hình ở Singapore cho thấy khi giao thông công cộng đáp ứng được 50% nhu cầu đi lại thì giao thông đô thị mới trở lại trật tự. Từ chuyện cần tới 10 năm, thành phố mới làm xong được hơn 10km Cát Linh - Hà Đông, ông Khuê cho rằng Hà Nội nên đặt mục tiêu 15 năm nữa làm được các tuyến đường sắt đô thị cụ thể.
Với những khó khăn hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT nhìn nhận Hà Nội cần phát triển song song hệ thống đường sắt monorail như Trung Quốc, thúc đẩy nhanh việc xây dựng tuyến vành đai 4 để tách được giao thông quá cảnh, liên vùng ra khỏi nội đô. Đồng thời, Thủ đô cần thiết kế với các loại hình giao thông chính gồm đường sắt đô thị, xe buýt, làm sao để người dân đi bộ 400m là tới được bến xe buýt và taxi.
Tại hội thảo nhiều chuyên gia cũng cho rằng cần thực sự quyết tâm và phải có cơ chế riêng để phát triển mạng lưới giao thông đô thị. Từ đó mới tạo động lực cho phát triển kinh tế Thủ đô.
Ghi nhận những góp ý của chuyên gia, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng Hà Nội cần cơ chế đột phá về hạ tầng. Theo ông Dũng, cần sẵn sàng vay 30-40 tỷ USD làm đề án riêng về phát triển đường sắt đô thị để trong 10-15 năm.
"Nếu không làm vậy hàng trăm năm nữa cũng không làm xong mạng lưới đường sắt đô thị, không giải quyết được vấn đề phát triển", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói và cho rằng có thể vay và trả, nhưng cần một chương trình riêng, đề án riêng cho phát triển hạ tầng để tạo đột phá phát triển đô thị.