Nguồn ảnh: Báo Quân đội nhân dân
UBND TP Hà Nội vừa lên kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững Đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn Hà Nội.
Mục đích của kế hoạch này nhằm khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, triển khai thực hiện có kế hoạch, nhằm đạt hiệu quả cao trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển bền vững đô thị theo yêu cầu.
Thành phố yêu cầu quán triệt, triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Thành ủy đề ra, gắn với việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, Tầm nhìn đến năm 2045.
UBND thành phố yêu cầu việc thực hiện kế hoạch lần này phải đảm bảo nghiêm túc, thường xuyên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND thành phố và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.
Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai kế hoạch, tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đến năm 2025 đạt khoảng 60-62%, đến năm 2030 dự kiến đạt khoảng 65-75%.
Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 30% vào năm 2025, phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 33-36% (cụ thể sẽ tiếp tục được xem xét trong quá trình nghiên cứu lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội và Chương trình Phát triển Đô thị Thành phố).
Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu hoàn thành 100% các quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh, quy hoạch phân khu xây dựng các khu chức năng, quy hoạch chi tiết các khu vực cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị trên địa bàn thành phố; hệ thống các quy định, quy chế liên quan quản lý quy hoạch, kiến trúc; hoàn thành điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo điều kiện phát triển các huyện thành quận.
Thành phố cũng phấn đấu tỷ lệ đất giao thông đô thị (bao gồm giao thông tĩnh) trên đất xây dựng đô thị đến năm 2025 đạt từ 12-15%, đến năm 2030 đạt tỷ lệ 15-20%; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt khoảng 30-35% đến năm 2025, đến năm 2030 đạt khoảng 45-50%; diện tích cây xanh bình quân trên mỗi người dân đô thị đến năm 2025 đạt khoảng 7,8-8,1 m2/người, đến năm 2030 đạt khoảng 12-14 m2/người; diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 31 m2/người vào năm 2025, đến năm 2030 đạt 33 m2/người.
Thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới các bệnh viện; trong đó, ưu tiên hoàn thành sớm 4 bệnh viện đa khoa lớn tại các cửa ngõ Thủ đô, hoàn thành chỉ tiêu 30- 35 giường bệnh/vạn dân vào năm 2025.
UBND thành phố phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000-13.000 USD; đóng góp tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đến năm 2025 là 17%, đến năm 2030 là 20%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đến năm 2025 là 25-30%, đến năm 2030 là 35-40%; tỷ trọng ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP đến năm 2025 là 5%, đến năm 2030 là 8%; tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2025 là 70%, đến năm 2030 là 80%.
Thành phố phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027 và chuẩn bị đầu tư, xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2030.
UBND thành phố giao các sở ngành tập trung tổ chức quán triệt và thực hiện tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong toàn xã hội, người dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị; triển khai và cụ thể hóa những chủ trương và giải pháp, huy động sức mạnh của hệ thống chính trị để triển khai hiệu quả các nội dung đề ra.
TP Hà Nội sẽ hoàn thiện thể chế, chính sách tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hoá, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững.
Đẩy mạnh quản lý và phát triển đô thị, phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền đô thị; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị và chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh, an toàn và trật tự đô thị.
Các Sở, ban, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai riêng cho đơn vị; chủ động lồng ghép các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chung của chương trình vào mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện hiệu quả.
Quá trình triển khai, các đơn vị được giao nhiệm vụ theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ có trách nhiệm xây dựng dự toán đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đúng chính sách.