Phát biểu tại diễn đàn, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho biết diễn đàn diễn ra trong bối cảnh các đô thị Việt Nam bước vào năm thứ hai triển khai Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cùng với đó, Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
Tại diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết Hà Nội đang hướng tới việc phát triển đô thị xanh toàn diện và bền vững. Đô thị xanh không chỉ dừng lại ở việc tăng cường diện tích cây xanh, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như kiến trúc bền vững, giao thông thân thiện với môi trường và quản lý năng lượng hiệu quả.
Hà Nội đã nỗ lực mở rộng và bảo vệ các công viên, vườn hoa và không gian công cộng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng không khí mà còn tạo ra những không gian sống lý tưởng cho cư dân thành phố.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải
Về lĩnh vực giao thông, Hà Nội đang đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giao thông công cộng, bao gồm việc mở rộng mạng lưới xe buýt nhanh và phát triển các tuyến đường sắt đô thị. Việc khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng không chỉ giúp giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí. Thành phố cũng thúc đẩy việc sử dụng xe đạp và xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp, khuyến khích lối sống lành mạnh và giảm khí thải.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển đô thị xanh bền vững, Hà Nội cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng cư dân. Giáo dục và truyền thông về lợi ích của đô thị xanh cần được đẩy mạnh nhằm tạo ra sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong cộng đồng. Việc phát triển đô thị xanh bền vững là một hướng đi tất yếu của các đô thị.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia cũng đề xuất về cơ chế chính sách để Hà Nội hướng tới phát triển đô thị xanh và bền vững dựa trên Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trao quyền cho thành phố Hà Nội. Theo đó, HĐND TP Hà Nội cần xây dựng và ban hành các chính sách, thủ tục pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư hay chủ các tòa nhà có thể chủ động thuận tiện trong việc đầu tư điện áp mái hay năng lượng xanh cho từng căn nhà của mình.
TP Hà Nội cần chủ động ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm dân dụng tiêu thụ điện được bán trên thị trường Thủ đô. Các nhà sản xuất phải áp dụng các tiêu chuẩn này khi cung cấp sản phẩm điện tiêu dùng ở khu vực Thủ đô, nếu không sẽ phải chịu một mức phí chuyển đổi năng lượng. Các tiêu chuẩn này phải phù hợp với các tiêu chuẩn mà các quốc gia công nghiệp phát triển đang áp dụng.