Hà Nội: Đảm bảo an toàn, thuận lợi cho thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông

(CL&CS) - Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024 - 2025 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 8 - 9/6 với 3 bài thi độc lập gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Tiếp đến, từ ngày 10 đến hết ngày 12/6, các thí sinh có nguyện vọng sẽ làm bài thi các môn chuyên và chương trình song bằng.

Tại kỳ thi này, Hà Nội có trên 117.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi (trong đó có hơn 106.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 các trường THPT công lập không chuyên, hơn 11.000 lượt thí sinh đăng ký dự thi môn chuyên và hơn 250 lượt thí sinh đăng ký dự thi chương trình song bằng). Với số lượng thí sinh dự thi lớn, có tính cạnh tranh cao nên việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng luôn được cả hệ thống chính trị của Thành phố quan tâm, vào cuộc.

Hình minh họa

Thời điểm hiện tại, các trường học được chọn làm điểm tổ chức kỳ thi đã cơ bản hoàn tất việc dọn vệ sinh, rà soát đồ dùng, trang thiết bị… sẵn sàng phục vụ công tác tuyển sinh diễn ra an toàn, hiệu quả. Các đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã trực tiếp kiểm tra điều kiện cơ sở vật chất của 100% điểm thi để bảo đảm kỳ thi diễn ra nghiêm túc, đạt mục tiêu đề ra.

Ghi nhận tại quận Hai Bà Trưng, sáng 5/6, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025) cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tại điểm thi đặt tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Lê Ngọc Hân và Trường THPT Thăng Long.

Đây là 2 trong số 6 điểm thi của quận. 4 điểm thi còn lại đặt tại các trường: THCS Vân Hồ, THCS Đoàn Kết - Hai Bà Trưng, THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng và THPT Trần Nhân Tông. Toàn quận có hơn 2.800 thí sinh đăng ký dự thi. Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh quận Hai Bà Trưng đã thành lập các đoàn trực tiếp kiểm tra tại từng điểm thi; có phương án ứng phó với diễn biến thời tiết bất thường hoặc các sự cố phát sinh.

Trực tiếp kiểm tra toàn bộ các phòng thi, trao đổi với Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh quận Hai Bà Trưng và Ban Giám hiệu các nhà trường đặt điểm thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương lưu ý các đơn vị, nhà trường cần lường trước các tình huống bất thường để chủ động ứng phó, đặc biệt trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp như hiện nay. Cùng đó, các đơn vị, nhà trường cần đặc biệt quan tâm đến khâu tổ chức cho cán bộ coi thi, thí sinh học quy chế; tăng cường tuyên truyền đến thí sinh, phụ huynh học sinh về các quy định liên quan đến kỳ thi, đồng thời tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.

Tương tự, tại quận Hoàn Kiếm, công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi cũng được Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh quận triển khai nghiêm túc. Trên địa bàn quận có 78 phòng thi đặt tại 4 điểm thi là các trường: THPT Việt Đức, THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, THCS Ngô Sĩ Liên - Hoàn Kiếm, THCS Nguyễn Du - Hoàn Kiếm. Trong đó, Trường THPT Việt Đức còn là địa điểm chấm thi chuyên từ ngày 12 đến ngày 23/6.

Theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm, là Thường trực Ban Chỉ đạo, Phòng GD&ĐT quận đã chỉ đạo các trường được đặt điểm thi chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất và thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ, dịch bệnh...; đảm bảo thuận lợi, an toàn cho thí sinh và những người tham gia tổ chức kỳ thi; đồng thời có trách nhiệm thông báo rộng rãi cho học sinh, phụ huynh học sinh biết để thực hiện.

Phân công nhiệm vụ rõ ràng và mỗi cá nhân, đơn vị phải nhận thức đầy đủ, chịu trách nhiệm trong các nhiệm vụ được giao để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc là yêu cầu được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương quán triệt tới các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia làm công tác thi.

Theo đó, lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô nhấn mạnh nguyên tắc “3 chủ động, 4 đúng, 3 không” trong công tác tổ chức kỳ thi vào lớp 10. Cụ thể, “3 chủ động” gồm chủ động làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, chủ động đề xuất chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ thi, chủ động báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” gồm đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng, đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách nhiệm vụ, đúng trong xử lý bất thường. “3 không” gồm không lơ là, chủ quan; không quá căng thẳng, áp lực; không tự ý xử lý tình huống.

Để thấm nhuần tinh thần trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cá nhân tham gia kỳ thi phải nghiêm túc tham gia tập huấn, quán triệt quy chế thi, các văn bản hướng dẫn của Sở đồng thời phổ biến kỹ quy chế thi cho thí sinh.

Sở đã mời lực lượng Công an Thành phố Hà Nội tham gia phổ biến về các nguy cơ gian lận thi cử công nghệ cao, phòng chống thi hộ và hướng dẫn một số phương pháp có thể giúp phát hiện các hành vi này. Sở cũng tổ chức tập huấn nghiệp vụ riêng cho hơn 600 cán bộ, giáo viên đảm nhiệm công tác thanh tra trong kỳ thi.

Số lượng cán bộ tối thiểu của tổ thanh tra tại một điểm thi được bố trí theo nguyên tắc: Dưới 20 phòng thi có 2 thanh tra; từ 20-30 phòng thi có 3 thanh tra; từ 31-40 phòng thi có 4 thanh tra; từ 41 phòng thi trở lên có 5 thanh tra. Đối với các điểm thi có các phòng thi bố trí phân tán hoặc nhiều tầng khác nhau, số lượng thành viên của 1 tổ thanh tra tại 1 điểm thi có thể lớn hơn tùy theo tình hình thực tế do Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trưởng đoàn thanh tra thống nhất quyết định.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng chỉ đạo các trường, phòng giáo dục và đào tạo cũng cần phối hợp chặt chẽ với uỷ ban nhân dân địa phương, các lực lượng liên quan để xây dựng các phương án dự phòng tình huống bất thường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ cho thí sinh trong quá trình tổ chức thi.

TIN LIÊN QUAN