Tại Hội nghị giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới được tổ chức, Ngân hàng Nhà nước sẽ sửa đổi gói tín dụng 120.000 tỷ đồng theo hướng ưu đãi hơn.
Theo đó, tính đến 14/6, tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm trước, tốc độ cải thiện qua các tháng, doanh số cung ứng ra nền kinh tế nửa đầu năm nay cao nhất trong ba năm gần đây.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc điều hành tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng.
Cụ thể, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội, hay gói 30.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản cũng được đẩy mạnh trong đó, gói vay nhà ở xã hội dự kiến sửa đổi theo hướng ưu đãi hơn.
Được biết, nội dung mới từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong bối cảnh gói tín dụng nhà ở xã hội gần như không có tiến triển trong năm đầu triển khai.
Từ tháng 4/2023, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà xã hội, nhà ở công nhân được kỳ vọng góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây một triệu căn nhà ở xã hội đến 2030.
Tuy nhiên, sau một năm triển khai, kết quả giải ngân rất thấp. Gói này mới giải ngân được chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng, trong số này, chỉ có khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại là người mua nhà.
Ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, hiện có thêm TPBank, VPBank tham gia gói này, với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng.
Nguyên nhân gói tín dụng này giải ngân chậm, theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước trước đó, do quy định đối tượng thụ hưởng còn phức tạp khiến người dân gặp khó khăn khi vay ưu đãi. Bộ Xây dựng cũng đánh giá lãi suất gói vay ưu đãi trên vẫn cao, trong khi thời gian cho vay ngắn nên chưa thu hút được các doanh nghiệp, người dân vay vốn.
Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay ưu đãi mới cho người mua nhà xã hội với lãi vay thấp hơn 3-5% lãi suất vay thương mại, kỳ hạn vay 10-15 năm. Mức lãi đề xuất này mềm hơn gói tín dụng ưu đãi đang thực hiện (thấp hơn 1,5-3% lãi vay thương mại).