Gỡ khó để doanh nghiệp miền Tây phục hồi sản xuất

(CL&CS) - Đại diện của VCCI Cần Thơ cho biết, trong tổng số 75.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ tại ĐBSCL, hiện chỉ có 250 doanh nghiệp còn hoạt động cầm chừng từ 20-40% công suất. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức” không thể khôi phục sản xuất nếu không được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Doanh nghiệp miền Tây kiệt sức

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), trong 3 tháng qua, tỷ lệ doanh nghiệp phá sản tại Đồng bằng Sông Cửu Long tăng đột biến. Cụ thể, trong 3 tháng ảnh hưởng của COVID-19 (tháng 6, 7 và 8/2021), đã có 1.812 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh chờ làm thủ tục giải thể.

Tại hội thảo trực tuyến mới đây, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, trong tổng số 75.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ trong toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, hiện chỉ có chưa đến 250 doanh nghiệp còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất. Các doanh nghiệp đã “kiệt sức” không thể khôi phục sản xuất nếu không được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn kịp thời.

Ông cho rằng nhiều khả năng sau những đợt giãn cách, nguồn nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất nông thủy sản bị thiếu hụt nghiêm trọng, có thể dẫn đến khủng hoảng về lương thực, về sản xuất nông thủy sản của vùng.

Ba tháng qua, kể từ khi dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát đã khiến đồng bằng sông Cửu Long thiệt hại nặng nề, nhất là từ giữa tháng 7, khi nhiều tỉnh, thành phố phía Nam đồng loạt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch Covid-19 khiến hoạt động kinh tế bị đóng băng, tê liệt hoàn toàn.

“Vùng này thiệt hại lớn là vì ngành chủ lực chế biến, nguyên liệu không thể lưu trữ hay bảo quản lâu được. Cá, tôm, trái cây phải thu hoạch, không thì hao tốn chi phí rất lớn. Thu hoạch thì để đâu, bảo quản tồn trữ như thế nào? Không chỉ trước mắt không có nguyên vật liệu sản xuất, chế biến, mà trong thời gian tới sẽ không còn nguồn cung ứng. Vì nông dân, trang trại đã không còn hoạt động nhiều, không đủ khả năng tái sản xuất do thiệt hại từ dịch bệnh”, ông Nguyễn Phương Lam nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Ngô Văn Chơn, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần May Tây Đô (Cần Thơ) cho biết, đơn vị có 1.300 lao động, đã áp dụng “3 tại chỗ” nhưng chi phí quá cao mà hiệu xuất rất thấp. Công ty đã dừng hoạt động từ ngày 16/7 đến nay.

“Hiện tại, chúng tôi phải ngừng đơn hàng và phải đàm phán lại với nhiều khách hàng. Không đáp ứng kịp thời và đúng cam kết hợp đồng, công ty đứng trước nguy cơ bị nhiều khách hàng “truyền thống” hơn 20 năm qua từ bỏ”, ông Chơn nêu khó khăn.

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm cho rằng, việc áp dung mô hình “3 tại chỗ” trong thời gian dài gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì chỉ hoạt động cầm chừng 20-30% công suất, doanh nghiệp chấp nhận thua lỗ để duy trì sản xuất, giữ đơn hàng nhưng hầu hết doanh nghiệp không thể tiếp tục duy trì, không trụ nổi với “3 tại chỗ”.

Nguyên nhân là do năng lực tài chính của doanh nghiệp và sức ép tâm lý của người lao động, tinh thần sa sút, lo lắng. Trong thời gian ngắn nhưng địa phương ban hành quá nhiều chính sách gây biến động quá lớn.

Trong tổng số 75.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ vùng ĐBSCL, hiện chỉ có chưa đến 250 doanh nghiệp còn đang hoạt động cầm chừng từ 20 - 40% công suất. (Ảnh: minh họa)

Tổng Giám đốc Công ty Caseamex Võ Đông Đức chuyên chế biến cá tra phi-lê xuất khẩu tại khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ, cũng nêu khó khăn: Doanh nghiệp đang gặp bế tắc vì sản xuất thủy sản không giống với các ngành hàng khác. Cá tra phải chế biến cá tươi sống, vận chuyển từ ao đến nhà máy. Công nhân trong nhà máy phải có đủ các khâu, là chuỗi liên hoàn, khép kín. Cắt giảm lao động khiến công ty gặp khó khăn từ việc không có người bắt cá từ ao nuôi, công nhân trong nhà máy không đủ số lượng tham gia chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An cho biết, dịch COVID-19 kéo dài đang gây khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước áp lực thu mua, tiêu thụ nông sản cho nông dân nhưng phải chịu nhiều chi phí như vận chuyển khó khăn hay thực hiện test nhanh 3 ngày/lần cho lượng lớn công nhân đóng vai trò nòng cốt đi thu mua thanh long cho nông dân.

Giảm lãi suất cho vay và đẩy mạnh tiêm vaccine cho người lao động

Trước những khó khăn trên, nhiều doanh nghiệp ở khu vực này đang đề xuất hỗ trợ tiêm vaccine cho người lao động; điều chỉnh mô hình 3 tại chỗ; giãn, giảm thuế, lãi suất vay; hỗ trợ chi phí vận chuyển, chi phí test Covid-19; các địa phương trong vùng ĐBSCLcó sự thống nhất về chính sách phòng dịch…

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), lo lắng cho biết, dịch COVID-19 đã khiến các doanh nghiệp tồn kho 85%.

Cũng theo ông Bình, hiện doanh nghiệp đang rất cần được hỗ trợ tăng khoản vay mua lúa hỗ trợ cho bà con nông dân, các địa phương và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần có chính sách sớm hỗ trợ kịp thời.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, thời gian qua, các doanh nghiệp đã gửi kiến nghị đến VCCI tại Cần Thơ và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL, Chính phủ với mong muốn được tiếp sức, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để khôi phục sản xuất sau thời gian dài “kiệt sức” vì chống chọi với dịch bệnh. Đặc biệt là cần có giải pháp thay thế cho “3 tại chỗ”, có lộ trình nghiên cứu giải pháp sống chung với dịch; kiến nghị Chính phủ có chỉ đạo thực hiện các chính sách tài chính, tín dụng tốt để tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại.

Chính quyền các địa phương xem xét hỗ trợ phí xét nghiệm COVID-19 cho doanh nghiệp, có quy định hướng dẫn liên ngành về phương thức vận chuyển hàng hóa, thu hoạch nông sản cho bà con nông dân tới vụ thu hoạch.

Đặc biệt là trao quyền cho doanh nghiệp trong việc tổ chức sản xuất lâu dài, cho doanh nghiệp chủ động, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi đó, cơ quan nhà nước không tham gia quá sâu vào công tác tập hợp, phân công, sắp xếp, bố trí nhân sự, công tác điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc VCCI Chi nhánh tại Cần Thơ cũng kiến nghị một trong những giải pháp quan trọng là các địa phương cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động, nhất là lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm sản xuất được liên tục, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, đồng thời tạo tâm lý an tâm cho người lao động.

Ngoài ra, cần có sự thống nhất của các địa phương theo quy định chung của Chính phủ để tránh gây tổn thất cho các doanh nghiệp về lưu thông hàng hóa, về thời gian, về chi phí xét nghiệm nhanh COVID-19...

Các cấp, các ngành cần đẩy nhanh tốc độ triển khai chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng do COVID-19 ở từng địa phương.

TIN LIÊN QUAN