Giật mình với “Đời sống tỉnh thức” của Đoàn Quý Lâm

(CL&CS) - Thế nào là tỉnh thức và thế nào là mê ngủ? Chúng ta đang ở trong lối sống nào? Đó hẳn là những câu hỏi mà nhiều độc giả sẽ tự vấn bản thân khi đối diện tựa đề và lật giở các trang trong cuốn sách mới xuất bản của nhà báo Đoàn Quý Lâm.

Tạp bút Đời sống tỉnh thức của Đoàn Quý Lâm vừa ra mắt.

Bằng lối diễn đạt bộc trực, cách dùng từ mạnh mẽ, sắc sảo, 122 bài viết ngắn trong sách có thể làm bạn giật mình vì khi chợt nhận thấy chân giá trị của cuộc sống thực ra rất đơn giản.

Sách được chia ra hai phần: “Bỏ phố” và “Về rừng”. Ý nghĩa của nó không chỉ là hành động đi từ nơi đô hội về chốn thiên nhiên, mà chính là việc từ bỏ lối sống lo toan, bộn bề, sôi nổi, đua chen… để trở nên bình an, tĩnh tại.

Thoát khỏi mê mờ

Ngay từ những trang đầu, tác giả đã dội từng gáo nước lạnh vào những ai ù lì, bám víu vào nỗi sợ, sự nhàm chán, thói nghiện đám đông, thói vô trách nhiệm với những đam mê, khát khao của chính mình.

Theo tác giả, số đông trong xã hội thường bị giới hạn ở những khuôn khổ hẹp hòi, trong khi ai cũng mang một khả năng sáng tạo vô tận. Sở dĩ con người không dám hành động để thay đổi là do tính cầu toàn quá cao.

“Chẳng qua là bị huân tập nỗi sợ hãi mà họ tìm kiếm an toàn để trú ngụ vào đâu đó. Một vị trí công việc tốt, ổn định làm cho đến khi nghỉ hưu, là công thức mà xã hội gắn mác thành công.

Nhưng nó mới chán làm sao. Chỉ một việc, trong giới hạn ít mối quan hệ. Cả cuộc đời gắn với một cái danh. Rằng tôi là ca sĩ, tôi là giáo viên, tôi là đại tá, tôi là cựu chủ tịch tỉnh…

Đối với nhiều đồng nghiệp cũ của tôi, nếu mất đi chiếc thẻ nhà báo hoặc thiếu vắng sự thừa nhận nghề nghiệp, họ sẽ cảm thấy chao đảo, hụt hẫng, kém tự tin. Có người đã ngấy đến tận cổ sự nhàm chán trong nghề, nhưng họ hoàn toàn không đủ can đảm để bước ra ngoài.

Không ít người tham vấn tôi khi họ muốn thay đổi, với sự giằng xé giữa an toàn với phiêu lưu. Tôi luôn dặn họ đừng đi theo bất cứ lời khuyên nào của ai, mà hãy lắng nghe tiếng lòng. Nếu trái tim bạn rộn ràng với một hành trình mới trong khi tâm trí van nài hãy ở lại trong khu vực an toàn, bạn hãy chọn đứng về trái tim.

Khi một cảm hứng mới khởi lên, nếu không chộp lấy và hành động ngay, lý trí sẽ vùi dập cho đến khi nó lụi tắt. Bởi vì trong căn cốt, bạn là một linh hồn thích phiêu lưu; nếu không, bạn đã chẳng đến đây.

Chính vì vậy, bạn sẽ luôn thấy chán sau khi đạt được một mục tiêu nào đó. Chán là động cơ để tiến lên. Và vì vũ trụ là vô hạn, còn ta thì trường cửu, nên đứng im là một lựa chọn dại dột. Trước sau gì bạn cũng sẽ lại khởi hành.

Thế gian đã có một Đức Phật sinh ra từ sự chán đời của một vị hoàng tử đó thôi!”, trích bài “Vì phiêu lưu đã là bản chất của con người”, trang 29-30.

Có thể thấy, thông điệp chung của Phần 1 chứa rất nhiều chất liệu để làm rã tan các mảng bám xưa cũ, như bệnh vâng phục, dựa dẫm, buông xuôi theo số đông. Đó là các tố chất khiến cho con người dễ đi vào chỗ bị chăn dắt, lợi dụng. Thế giới có rất nhiều cuộc chơi do thiểu số bày trò. Và nếu thiếu tỉnh táo, bạn rất dễ trở thành món đồ chơi bị thao túng cả thể vật lý và thể tâm trí.

“Thử một lần tách khỏi đám đông” là tựa của một bài viết ở trang 39. Tác giả đưa ra nhiều dẫn chứng để cho thấy lợi ích rõ ràng khi ta chọn làm một điều gì đó mà đám đông không làm. Đơn cử như việc rửa ô tô: Vòi nước sẽ cho áp lực rất mạnh vào tầm 5h sáng, vì khi đó ít người mở vòi. Tầm 6h chiều thì nước máy rất yếu vì hầu như nhà nào cũng nấu ăn, tắm rửa.

Hay như việc đi làm giờ hành chính, đi du lịch ngày lễ, Tết cũng là hệ lụy của tư duy xin việc, làm công ăn lương phổ biến trong dân chúng. Nó tạo ra cảnh ùn tắc giao thông thường xuyên, khiến ai cũng khó chịu. Khó chịu nhưng tất cả dường như cam chịu, bởi họ không đủ can đảm để làm khác đi.

“Ở các làng xã, hễ đông người thi vào sư phạm thì ta cũng đi thi sư phạm; trồng cây gì, nuôi con gì; du học, vô công an, quân đội, thì ta cung đua theo. Rồi kéo lên phố làm công nhân, học đại học, vô công chức, làm đĩ, đi tu, xuất khẩu lao động, lấy chồng nước ngoài… Tất thảy đều đoàn đoàn lũ lũ. Đông ơi là đông.

Con người hèn nhát và biếng tư duy thường dựa vào đám đông, vì nghĩ nhiều người chọn ắt là chân lý, là an toàn. Thực tế thì tham gia đám đông mới là lựa chọn đầy mạo hiểm”.

Theo tác giả, điều tuyệt vời nhất mà tạo hóa đã ban cho chúng ta, đó là mỗi con người trên đời này đều là một thực thể cá biệt, mỗi người có một con đường riêng. Việc không ai trùng ai ở cái vân tay là một biểu hiện rõ ràng cho ý nghĩa đó. Chính vì vậy mà khi một người nhận ra mình không cần cố giống ai, bằng ai, bắt chước ai, theo ai… thì anh ta trở nên hoàn toàn tự do.

Và khi ở trong ý niệm đó, con người ta sẽ trải rộng cùng sự sáng tạo của vũ trụ. Anh ta sẽ không phải làm gì nữa, vì tất cả chỉ là cuộc chơi, sự trải nghiệm.

Câu chuyện kiếm tiền, một trong những mối bận tâm thường trực của con người hiện nay, cũng được Đoàn Quý Lâm phân tích trong nhiều bài viết. Trước thực trạng phổ biến của lối sống kiếm tiền bằng mọi giá và không có giới hạn trong vấn đề tích lũy, tác giả chỉ ra rằng sự giàu có quá mức cũng là một dạng “ung thư tài sản”, tạo ra bất công. Kiếm tiền mà quên đi sức khỏe và sự bình an nội tâm thì khi đổ bệnh cũng chẳng thể dùng tiền để cứu chuộc lại.

“Tích lũy tài sản quá mức cần thiết không những khiến chúng ta mắc kẹt trong đó mà còn đoạt mất cơ hội của những người khác. Thế giới có đủ cho tất cả mọi người. Nhưng một số kẻ dư thừa và nhiều người khác trở nên thiếu thốn.

Nếu ai cũng chỉ dùng đủ phần của mình thôi, sẽ không còn bất hạnh nữa.

Tất cả người dân sẽ có nhà ở nếu người giàu chỉ sắm đủ ở.

Tất cả người dân sẽ có tiền nếu người giàu chỉ xài đủ dùng.

Tất cả người dân sẽ có ăn nếu người giàu không thừa mứa”. – trích “Đủ bằng Hạnh phúc”, trang 60-61.

Đối với mối quan hệ gia đình, thứ mà nhiều người vẫn cho là nặng nợ, cuốn “Đời sống Tỉnh thức” cũng dành một thời lượng đáng kể để phá dỡ các quan niệm sai lầm và giải phóng cho mọi thành phần trong đó.

“Độc lập trước người thân” là một bài viết có thể làm bạn bừng tỉnh khi nhận ra bản thân mình đã bị cản trở, giới hạn quá nhiều bởi những lời khuyên, sự định hướng trong gia đình. Nhân danh tình yêu thương, quan tâm, giúp đỡ, nhưng thực tế là những thứ đó làm tê liệt ý chí độc lập, tự quyết của rất nhiều người. Cả một xã hội luôn đề cao những đứa con ngoan, biết vâng lời. Để rồi khi chúng lớn lên cứ thích dựa dẫm, lệ thuộc thì lại quay qua chửi rủa nó là đồ vô tích sự.

“Đã bao nhiêu lần bạn không dám làm một việc bản thân rất muốn nhưng cha mẹ không muốn, vợ hoặc chồng, con cái không muốn?

Cứ một lần như vậy là bạn chết đi một phần đời. Đó là cái chết của sự lệ thuộc.

Nhiều người giống như chưa từng sống. Bởi vì tất cả khát vọng, trực giác, cảm nhận bên trong đều bị vùi tắt. Họ luôn làm theo mệnh lệnh, lời khuyên, sự nhắc nhở từ bên ngoài”, trích “Độc lập trước người thân”, trang 66-67.

Theo tác giả thì nhiều người đã quá lãng phí cuộc đời của mình khi cứ sống theo ý kiến của người thân, chiều lòng người thân. Thực ra, tất cả những thành tựu cuộc đời đáng tự hào nhất của một người có được là khi anh ta làm theo mệnh lệnh của trái tim mình chứ không phải làm theo bất kỳ ai khác.

Cũng trong cụm chủ đề này, bài “Những con chim bị đánh mất kỳ tập bay” (trang 72-74) là một cảnh tỉnh mạnh mẽ dành cho các bậc cha mẹ yêu thương con một cách mù quáng. Không cho con làm gì ngoài chuyện đi học và cũng không giải thích được cho con là học nhiều như thế, áp lực thế, để làm gì, phần lớn phụ huynh biến con mình thành “gà công nghiệp”.

Độ tuổi 14-18 được ví như là thời kỳ vàng để “tập bay” của mỗi người. Nhưng nếu không được tập bay, thì chỉ có thể lạch bạch đi bộ quanh tổ. “Những con chim bị đánh mất kỳ tập bay và nó sẽ không bao giờ tự bay trên đôi cánh của mình nữa. Nó như những con gà công nghiệp cần tiếp tế đồ ăn trọng đời”. “Tước đoạt thời điểm vàng tập bay của con, các vị phụ huynh này bắt đầu cảm nhận gánh nặng của mình khi con họ bước vào tuổi trưởng thành. Những đứa con đó không có kỹ năng sống nhưng vẫn có bản năng làm tình và sinh cháu. Thế là các bố mẹ thương yêu mù quáng đó phải gồng lo cho cả hai thế hệ phía sau. Và thế là họ phải dành cả cuộc đời để hầu như chỉ lẩn quẩn trong một mối bận tâm hết sức nhỏ hẹp”.

Đoàn Quý Lâm - người bỏ phố về rừng.

Giá trị của tỉnh thức

Khác với sự gay gắt cho một cuộc đào thoát khỏi những phi lý đời thường của Phần 1, ở Phần 2 chúng ta có thể bắt gặp những bài viết nhẹ nhàng, sâu lắng, thuần khiết, trong trẻo. Cũng phải, vì đây là giai đoạn mà tác giả đã rút sâu vào đời sống tỉnh thức, đơn giản, thuận tự nhiên ở vùng núi cao.

“Hãy một lần đưa tâm về nhà, cho tâm nghỉ ngơi trong tĩnh lặng, để lắng nghe chính mình và nhận ra ta thật đáng thương. Trong thế giới vô lượng vô biên, có lẽ không có mục tiêu nào lớn hơn việc thắp sáng tâm thức, đạt tới tỉnh ngộ và hòa vào đại vũ trụ”, đó là lời dặn của tác giả ở mục mở đầu cho Phần 2 “Về rừng”.

Đoàn Quý Lâm khẳng định vẻ đẹp của cuộc sống này nằm ở sự vô tận và bất toàn. Do vậy mà sự cầu toàn chỉ mang lại khổ đau. Trên hành trình của linh hồn, cuộc sống ở đây chỉ là cái chớp mắt. Ai rồi cũng lại khởi hành để tiến hóa qua muôn nẻo.

Một người tỉnh thức nhận ra cuộc sống chỉ mới bắt đầu, dù đang ở độ tuổi nào. Người đó trở nên trọn vẹn với thực tại. Quá khứ không làm họ buồn đau, tương lai không làm họ lo sợ.

Chắc chắn không có hạnh phúc nào lớn hơn việc tìm thấy ý nghĩa thực sự của cuộc sống. Khi tìm về với chính mình, bạn đặt chân lên hành trình tâm linh. Danh, lợi, tài, sắc, quyền, thế, lực bắt đầu trở nên mờ nhạt, chật hẹp. Chỉ có sự rộng lớn vô tận, sự linh thiêng mầu nhiệm của vũ trụ, của mọi hiện hữu và của chính sinh mệnh chúng ta, mới là đáng bận tâm”.

“Một người trở nên giác ngộ không phải vì anh ta đạt được cái gì, mà chính là làm tan rã hết các mảng bám để cho nó lộ ra bản chất thật bên trong. Bạn không đạt được cái mà bạn sẵn có.

Cho đến khi nào chúng ta còn vật lộn với cuộc sống, vẫn còn bỏ quên bản thể linh thiêng. Bao lâu chúng ta còn chưa nhận ra mình thực sự là ai, đến đây với ý nghĩa gì, thì bấy lâu chúng ta vẫn chỉ là đang ở trong quá trình chuẩn bị cho cuộc sống”, trích “Cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu sau tuổi 40”, trang 198-200.

Cảnh đẹp núi rừng làm say đắm lòng người.

Đời sống của một người trông như thế nào khi họ tỉnh thức? Phần 2 của cuốn sách là bức tranh sinh động trả lời cho câu hỏi đó.

Đặc biệt, trong phần này có nhiều bài thơ được tác giả sáng tác một cách ngẫu hứng. Chúng ta có thể gọi đó là những vần thơ thức tỉnh. Xin trích một đoạn thơ đẹp để kết lại bài này:

Trong vũ trụ này có bao nhiêu nền văn minh?

Tôi biết rằng Trái Đất không cô đơn, và các hành tinh thì không hề vô tri, vô sự sống.

Dẫu cho đồng loại tôi có tin rằng họ tiến hóa từ loài vượn

Tôi vẫn tin chúng ta đến từ các vì sao.

 

Đồng loại ơi, thôi cắm cúi vào mấy thứ đồ chơi

Tiền tài, vật chất nào phải đâu vĩnh cửu

Hãy ngước lên, nhìn bầu trời, thì thầm câu hỏi nhỏ

Giới hạn là đâu, ta từ đâu, và ta thật là ai?

 

Lòng rộn vui khi ta biết một điều này

Chính ta là vô thủy vô chung cùng vũ trụ

Chính ta là vô biên, không thời gian, không tên tuổi

Chính ta là tất cả, và tất cả cũng chính ta.

 

Này bạn khoáng chất siêu vi,

Này đá cuội, đại dương, rừng thẳm,

Này mặt trời, mặt trăng, các vì sao, các thiên hà trong vô vàn cõi siêu nhiên

Chúng ta đã cùng hòa ca trong biển ánh sáng tình yêu ngập tràn

Không chờ đợi, chính đây là kỳ diệu

Không chờ đợi, chính đây là linh thiêng mầu nhiệm

 

Chính đây là hiện hữu ở nơi nơi

Chính đây là thực tại tuyệt trần đời

Địa đàng, thiên đàng cùng có mặt

Ở trên trời, ở mặt đất và ở chính trong ta…