Hàng loạt dự án trọng điểm bứt tốc
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu... Thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới về kinh tế - xã hội đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả.
Theo Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Bộ Giao thông vận tải, tổng chiều dài các dự án đang thi công và đã khởi công từ đầu năm đến nay 1.693 km (các dự án đang thi công với tổng chiều dài 361 km và các dự án đã khởi công từ đầu năm 2023 có tổng chiều dài 1.332 km). Dự kiến đến cuối năm nay, cả nước sẽ có 1.852 km cao tốc. Về tiến độ giải ngân, năm 2023, vốn đầu tư công bố trí cho các dự án giao thông vận tải là hơn 97.000 tỷ đồng, hiện đã giải ngân gần 38.000 tỷ đồng, đạt gần 40%. Theo tính toán, giai đoạn 2021 - 2025, các dự án, công trình giao thông được ưu tiên bố trí khoảng 400.000 tỷ đồng, lớn nhất trong các ngành, lĩnh vực, chiếm đến 50% tổng vốn đầu tư công và gấp gần 3 lần giai đoạn trước đó. |
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc (hoàn thành được mục tiêu này thì đến 2025 chúng ta cần đạt được 3.000 km và 2026 - 2030 phấn đấu có thêm 2.000 km đường bộ cao tốc.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, nhiều dự án giao thông trọng điểm đã được thi công cũng như đi vào sử dụng. Điển hình, trong tháng 5/2023, 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 là cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng mức đầu tư khoảng 24.700 tỷ đồng đã được khánh thành đưa vào sử dụng, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc trên cả nước lên gần 1.600 km.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, sau khi 2 tuyến cao tốc mới đưa vào sử dụng, sẽ góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tới TPHCM và các tỉnh thành phía Nam. Qua đó, tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, hoạt động kinh tế, liên kết vùng, giảm tải cho Quốc lộ 1. Dự kiến, cuối năm 2023 sẽ thêm 3 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đưa vào sử dụng, gồm: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và cầu Mỹ Thuận 2.
Đáng chú ý, trong tháng 6/2023 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã khởi công 5 dự án cao tốc trọng điểm như: Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM và Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, nâng tổng số đường cao tốc khởi công từ đầu năm đến nay lên 1.332 km.
Kỳ vọng cất cánh
Theo các chuyên gia, đây là những dự án giao thông quan trọng kết nối liên vùng, nội vùng, kết nối giao thông toàn quốc. Các công trình này chính là đột phá về hạ tầng để bù đắp, tăng tốc phát triển trong thời gian tới.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đánh giá, việc triển khai dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô sẽ mang lại hiệu quả kinh tế trực tiếp và gián tiếp vô cùng to lớn. Hiệu quả của dự án sẽ mang lại lợi ích về địa tô, phát triển mũi nhọn về kinh tế, thế mạnh về vùng miền. Giá trị mà dự án đường Vành đai 4 mang lại rất lớn trong kết nối, mở rộng không gian phát triển, giảm tải giao thông... Do đó, việc đầu tư để sớm hoàn thành dự án này là hết sức cần thiết, cấp bách.
Đánh giá về các dự án cao tốc khu vực phía Nam gồm: cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TPHCM được đưa vào thi công, TS. Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: “Đã lâu lắm rồi, khu vực phía Nam mới chứng kiến những bước chuyển động mạnh mẽ như vậy về hạ tầng giao thông. Nhiều năm qua vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có phần “thiệt thòi” hơn so với các tỉnh phía Bắc về mạng lưới giao thông kết nối. Hạ tầng giao thông ì ạch suốt nhiều năm “trói chân” kinh tế, kìm hãm tốc độ hình thành và phát triển đô thị. Vì thế, việc đồng loạt khởi công các dự án trọng điểm vừa qua là hiện thực hóa chủ trương tăng cường mạng lưới giao thông cho các tỉnh thành phía Nam. Đây là hướng đi đúng đắn mà Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định cho một tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài”.
Theo TS. Nguyễn Hữu Nguyên, những dự án này còn có ý nghĩa hơn rất nhiều khi được triển khai vào đúng giai đoạn kinh tế của đầu tàu TPHCM cũng như của cả nước đang trải qua khó khăn. Những đại công trường bắt đầu hoạt động, đồng nghĩa với vật liệu xây dựng đồng loạt được huy động, công nhân, nhà thầu đồng loạt có công ăn việc làm, hệ thống vận tải đồng loạt có đơn hàng… Đằng sau đó còn cả đội ngũ phục vụ hậu cần. Nhiều ngành nghề khác sẽ được kích hoạt, như một cú hích cực mạnh đột phá kinh tế.
Tại phiên họp Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải ngày 13/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề nghị các đơn vị vào cuộc quyết liệt, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ khởi công, thi công 25 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng cộng 75 dự án thành phần. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu khởi công nhà ga sân bay Long Thành trong tháng 8/2023.