Là một trong những xã còn khó khăn của huyện Định Hóa, những năm qua, xã Phú Đình được thụ hưởng nhiều chương trình hỗ trợ của Nhà nước về con giống, cây trồng để phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Trong đó, Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững và là một trong những chính sách đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, góp phần trực tiếp vào kết quả giảm nghèo tại địa phương.
Ông Ma Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đình, huyện Định Hóa thông tin: Năm 2023, trên địa bàn toàn xã có 10 hộ dân thuộc hai xóm đặc biệt khó khăn là Khuôn Tát và Nạ Tẩm được hỗ trợ con giống và đầu tư chăn nuôi bò sinh sản từ Dự án thuộc Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Mỗi hộ dân được nhận một con bò giống, trong đó Nhà nước hỗ trợ 95% và người dân đối ứng 5% tiền con giống. Ngay sau khi huyện có kế hoạch triển khai Dự án, địa phương đã tiến hành rà soát hộ nghèo theo các tiêu chí, họp các hộ dân để có thể lựa chọn đúng đối tượng hỗ trợ. Dự án được triển khai kịp thời và hiệu quả, mang lại lợi ích kinh tế thiết thực, là nền tảng để các hộ vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện Dự án, người chăn nuôi được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ; cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn con giống, chăm sóc và phối giống cho bò... Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ khuyến nông, thú y xã thường xuyên tuyên truyền, giúp người dân tiêm phòng và phòng, chống đói rét cho đàn bò.
Sau hơn 1 năm chăn nuôi, con bò thuộc Dự án của gia đình anh Trần Đình Túy, xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình đã sinh được 1 con bê con
Cùng cán bộ UBND xã Phú Đình (Định Hóa) tới nhà một số hộ nghèo được hưởng lợi từ Dự án ở xóm Khuôn Tát, mới thấy được niềm vui, sự phấn khởi của người dân khi nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Xóm Khuôn Tát hiện có trên 400 nhân khẩu với tỷ lệ người dân tộc thiểu số khoảng 90% trong đó chủ yếu là đồng bào người Dao, Tày, toàn xóm có 18 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo.
Là hộ mới thoát nghèo năm 2023, gia đình anh Trần Đình Tuý, dân tộc Tày ở xóm Khuôn Tát, xã Phú Đình được hỗ trợ 1 con bò giống. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật chăm sóc, con bò thuộc Dự án của gia đình anh Trần Đình Túy đã sinh được 1 con bê con. Anh Tuý cho biết: “Gia đình tôi mới thoát nghèo, không có vốn chăn nuôi, sản xuất, giờ đây tôi đã có 2 con bò. Đây là điều kiện tốt để gia đình tôi có bàn đạp vươn lên phát triển kinh tế”.
Cùng với gia đình anh Túy, vợ chồng anh Hoàng Văn Đang (dân tộc Tày) và chị Triệu Thị Nội (dân tộc Dao) ở xóm Khuôn Tát cũng được hỗ trợ 1 con bò sinh sản từ Dự án. Con bò sinh trưởng phát triển khỏe mạnh, lông mượt, ăn tốt và đã sinh thêm bê con. Trò chuyện với anh Hoàng Văn Đang chúng tôi được biết: Trước đây, các hộ trong xóm đều chăn nuôi theo phương thức truyền thống là chăn thả, phân tán, với quy mô nhỏ, thậm chí có hộ thả rông trong rừng. Từ ngày nhận được hỗ trợ của Nhà nước và thường xuyên được cán bộ nông nghiệp, khuyến nông tập huấn kiến thức, kỹ năng chăn nuôi bò, các hộ chăn nuôi đã biết cách chăm sóc “đầu cơ nghiệp” của mình bằng cách trồng thêm cỏ để bổ sung dinh dưỡng cùng với nguồn thức ăn tinh, nuôi nhốt; giữ ấm khi thời tiết lạnh sâu; chú ý đến việc tiêm phòng và một số bệnh thường gặp ở gia súc, nhờ đó con giống được bảo vệ khi thời tiết không thuận lợi cũng như cách chăm sóc khoa học để vật nuôi phát triển.
Dự án chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn huyện Định Hóa được người dân và chính quyền đánh giá là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao
Ông Phạm Quang Sáng, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa khẳng định: Dự án chăn nuôi bò sinh sản đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn huyện Định Hóa, được người dân và chính quyền đánh giá là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao. Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản đã tạo được niềm tin và sự hưởng ứng tích cực của người dân, tiếp thêm động lực cho các hộ nghèo có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, mang đến cơ hội thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện miền núi Định Hóa.
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo của huyện Định Hóa đã đạt được những kết quả tích cực. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, đến năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo so với đầu năm 2022 giảm 3.164 hộ, tương đương với 11,97%, từ 4.596 hộ (17,39%) xuống còn 1.432 hộ (5,42%); hộ cận nghèo giảm 2.718 hộ, tương đương với 10,28%, từ 3.922 hộ (14,84%) xuống còn 1.204 hộ (4,56%). Mục tiêu giảm nghèo của huyện Định Hóa đến năm 2025: Năm 2024, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều 2,25% trở lên, trong đó giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,40% trở lên và giảm tỷ lệ hộ cận nghèo 0,85% trở lên; phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn dưới 6,5%. |