Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho biết, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%. Do đó, trường học không chỉ chuyển tải kiến thức mà còn giáo dục, hình thành nhân cách học sinh, góp phần xây dựng môi trường phát triển lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập.Theo ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là hai loại thuốc lá thế hệ mới phổ biến hiện nay, chưa được phép kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam.
Dù vậy, qua các nghiên cứu cho thấy thực trạng sử dụng thuốc lá thế hệ mới tương đối đáng kể, với tốc độ đang gia tăng, làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá nói chung, đồng thời giảm hiệu quả của công tác phòng, chống thuốc lá tại Việt Nam trong thời gian qua.
Đáng chú ý, thanh thiếu niên không hút thuốc lá truyền thống vẫn thử và bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử trên toàn cầu, đặc biệt là tại Việt Nam. Cùng với đó là gánh nặng “nghiện kép” khi người đang hút thuốc lá điếu thông thường sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn những người không hút thuốc lá.
Kết quả điều tra sức khỏe học đường năm 2019 cho biết, có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế khẳng định, mọi sản phẩm thuốc lá đều gây hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, xã hội, kinh tế. Thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng làm tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá, đặc biệt là trong đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên, phụ nữ, người chưa hút thuốc lá.
Vì vậy, Bộ Y tế đề xuất chưa cho phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh đối với sản phẩm gây nghiện và chưa có phương pháp cai nghiện riêng này, cũng như không thí điểm sản xuất, kinh doanh, sử dụng. Thay vào đó, cần tiếp tục tăng cường đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu và tuyên truyền về tác hại của thuốc lá điện tử, nhất là trong các trường học.
Từ góc độ chuyên môn, ThS.BS Vũ Văn Thành, Khoa Bệnh phổi mạn tính, Bệnh viện Phổi Trung ương đã cung cấp nhiều kiến thức chuyên môn và tác hại của thuốc lá điện tử. Với thanh thiếu niên, thuốc lá điện tử gây nghiện và có thể gây ra những thay đổi có hại cho não đang phát triển, làm gián đoạn sự phát triển của các mạch não. Nồng độ nicotin cao ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ….
Theo ThS. Lê Thị Thu, Quản lý Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá và bệnh không lây của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam chia sẻ, tuy xuất hiện muộn nhưng thuốc lá điện tử gia tăng đột biến. Bởi thanh thiếu niên được xác định là chìa khoá thị trường, là mục tiêu nhắm tới của các công ty thuốc lá.
Chính vì vậy, từ thiết kế, hương vị đến chiến lược quảng cáo, bán hàng thuốc lá điện tử đều hướng đến giới trẻ, tạo nên trào lưu, phong cách hấp dẫn giới trẻ. Thuốc lá điện tử có giá thành rẻ, dễ tiếp cận, dễ mua thông qua các mạng xã hội, trang web, trang thương mại điện tử, cửa hàng bán lẻ, hội nhóm,...
Trao đổi về kinh nghiệm và khó khăn trong công tác giáo dục, phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học, ông Dương Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP HCM bày tỏ mong muốn sớm có căn cứ pháp lý để kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc lá điện tử quanh trường học, mạng xã hội,…
Ông Kiều Cao Trinh, Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GDĐT Hà Nội nhấn mạnh sự cần thiết của tài liệu tập huấn, tuyên truyền, đồng thời, quán triệt không sử dụng thuốc lá trong trường học đối với cán bộ quản lý, giáo viên ngành Giáo dục.
Bàn về các giải pháp của ngành Giáo dục về phòng chống thuốc lá thế hệ mới trong trường học, đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh đến công tác ban hành các văn bản, chỉ đạo, đưa những điều luật phòng, chống tác hại thuốc lá vào các Điều lệ trường học, quy định; lồng ghép trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, trong nội dung chương trình môn học, hoạt động ngoại khoá; đẩy mạnh truyền thông giáo dục. Công tác kiểm tra liên ngành và nghiên cứu, khảo sát cũng được chú trọng.
Tuy nhiên, công tác này còn gặp không ít khó khăn. Theo đại diện Vụ Giáo dục Thể chất, một bộ phận không nhỏ cán bộ, giáo viên vẫn còn sử dụng thuốc lá, tạo hình ảnh xấu trong việc nêu gương. Công tác tuyên truyền chưa hấp dẫn, thuyết phục học sinh, sinh viên. Chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả sự tiếp cận mạnh mẽ của thuốc lá điện tử, thực trạng buôn bán thuốc lá phổ biến quanh khu vực trường học.
Trong thời gian tới, là đơn vị tham mưu, Vụ Giáo dục Thể chất kiến nghị một số giải pháp cơ bản như quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu, kinh doanh, sử dụng thuốc lá điện tử; tăng cường, đổi mới công tác truyền thông; tăng cường kiểm tra, giám sát liên ngành; tích cực tập huấn, chỉ đạo lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục vào môn học chính khoá và hoạt động trải nghiệm.
Đại diện lãnh đạo Bộ GDĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, với trách nhiệm của mình, Bộ đã chủ động phối hợp với các bộ ngành trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục, ban hành các văn bản, xây dựng trường học không khói thuốc,…
Trong thời gian tới, Thứ trưởng cho rằng cần chú trọng đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, theo cách hướng dẫn các em học sinh tìm hiểu, đánh giá, hiểu rõ tác hại, cũng như trang bị kiến thức và kỹ năng nhận diện, phòng tránh tác hại của thuốc lá.
Trung Kiên