Giá thép xây dựng tăng mạnh!

(CL&CS) - Vài ngày gần đây, một số doanh nghiệp ngành thép tiếp tục thông báo tăng giá thép xây dựng. Nguyên nhân tăng giá được thông báo là do giá phôi thép, nguyên liệu đầu vào tăng.

Giá thép trong và ngoài nước đang ở mức cao và dự báo tiếp tục tăng.

Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), không chỉ tại Việt Nam mà ở khắp nơi trên thế giới, giá thép tăng vì nguồn cung nguyên liệu sản xuất thép thiếu. Giá phôi, thép phế liệu, điện cực graphite cho đến than mỡ luyện coke, quặng sắt 62%... đều tăng giá rất mạnh kể từ cuối năm 2020.

Mặt khác, nhu cầu nội địa Trung Quốc phục hồi sau dịch Covid-19 nhưng sản lượng sản xuất thép của quốc gia sử dụng thép nhiều nhất này lại giảm do chính sách kiểm soát ô nhiễm.

Chưa kể, thông tin giảm hoàn thuế xuất khẩu từ 13% xuống 9%, thậm chí 0% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5/2021 tại Trung Quốc càng đẩy giá thép trên các sàn thương mại hàng hóa càng "hot" hơn.

Vì vậy, dự báo giá thép thế giới sẽ tiếp tục tăng cho đến hết quý 3/2021.

Giá vật liệu xây dựng (VLXD) - đặc biệt là giá sắt thép trong nước - đã tăng 45% - 50%, khiến nhiều người dân xây nhà gặp khó khăn, vì đội vốn; nhiều nhà thầu - doanh nghiệp xây dựng buộc phải hủy hoặc “xin” đàm phán lại hợp đồng, để điều chỉnh giá cả, nếu không muốn thua lỗ nặng…

Ghi nhận tại thị trường phía Nam ngày 20/5, giá thép xây dựng đã tăng mạnh với hầu hết các thương hiệu.

Cụ thể, thương hiệu Hòa Phát thông báo tăng giá với thép cuộn CB240 lên mức 18.010 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 thì giữ nguyên ở mức 17.560 đồng/kg. Trong khi đó, thương hiệu thép Miền Nam cũng thông báo sản phẩm thép cuộn CB240 ở mức giá 17.960 đồng/kg, thép thanh vằn D10 CB300 là 17.810 đồng/kg.

Riêng thương hiệu thép Pomina thì có giá "mềm" hơn, với thép cuộn CB240 có giá 17.510 đồng/kg và thép thanh vằn D10 CB300 đang ở mức 17.610 đồng/kg.

Trước đà đăng mạnh của giá thép, nhiều DN ngành thép được dự báo sẽ có lợi nhuận khả quan trong quý 2/2021, nhờ lượng hàng tồn kho tăng mạnh đến cuối quý 1. Có thể kể đến như, tại Nam Kim (NKG), giá trị khoản mục tồn kho thời điểm cuối quý I/2021 tăng 47,6% so với hồi đầu năm, lên 3.500,3 tỷ đồng (hồi đầu năm 2.371,1 tỷ đồng). Trong đó, tập trung chủ yếu ở khoản mục nguyên liệu và vật liệu ở mức gần 1.009 tỷ đồng, thành phẩm hơn 1.768 tỷ đồng.

Trong báo cáo tài chính quý 1/2021 của NKG cho thấy, khoản mục nguyên liệu - vật liệu tăng thêm 754,8 tỷ đồng; hàng đang đi đường tăng 271,7 tỷ đồng so với quý trước. Như vậy, có thể thấy NKG đang đẩy mạnh tích trữ nguyên liệu, vật liệu để phòng trường hợp giá thép tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Tương tự, tại Hoa Sen, tính hết quý 1/2021, tồn kho của DN này lên tới 9.001,7 tỷ đồng, tăng 63% so với hồi đầu năm (5.523,8 tỷ đồng).

TIN LIÊN QUAN