Gia đình 8 F0 ở TP.HCM khỏi bệnh, ông bố xin đi đưa cơm, trả ơn bác sĩ

(CL&CS) - Được các bác sĩ giúp đỡ, anh Trần Hữu Tài cùng bố mẹ, vợ và 4 con chiến thắng Covid-19. Ngay khi khỏi bệnh, ông bố 36 tuổi quyết định lái xe đi làm tình nguyện, trả ơn ân nhân.

Hôm 14/8, sau khi cùng 8 thành viên nhận kết quả xét nghiệm âm tính và hoàn thành thời gian tự cách ly, anh Trần Hữu Tài (36 tuổi) đăng ký trở thành tài xế trong dự án hỗ trợ bữa ăn miễn phí cho cộng đồng “Việt Nam ơi cố lên”.

Ngay ngày hôm sau, anh nhận nhiệm vụ đầu tiên: Chở hàng trăm phần ăn từ bếp từ thiện đến gửi tặng các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến.

“Đánh bại Covid-19 một lần và bây giờ tôi không còn e ngại điều gì nữa. Tôi muốn giúp đỡ các F0, trả ơn những y, bác sĩ tuyến đầu và cuối cùng là chung tay giúp thành phố đẩy lùi dịch bệnh”, anh Tài nói với Zing.

9 F0 trong một gia đình

Giữa tháng 7, bố mẹ anh Tài và người giúp việc của gia đình có những triệu chứng như ho, sổ mũi, đau họng. Lúc này, mọi người chỉ nghĩ đó là cảm cúm thông thường trong thời tiết chuyển mùa của Sài Gòn.

Tuy nhiên, vài ngày sau, vợ chồng anh Tài bắt đầu có những biểu hiện bệnh tương tự. Đến ngày 29/7, 9 thành viên trong nhà được test nhanh và đều cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Ban đầu, gia đình khá lo lắng vì bố mẹ anh Tài ngoài 60 tuổi, có bệnh nền là tim mạch, huyết áp, từng phẫu thuật đặt stent. Hai vợ chồng anh có 4 con, bé đầu 9 tuổi và con út chỉ mới 7 tháng.

“Sau khi báo cáo với lực lượng y tế, chúng tôi được cách ly tại nhà riêng. Đội ngũ y, bác sĩ tư vấn từ xa cho các F0 điều trị ở nhà đã hướng dẫn chúng tôi rất tận tình. Điều này giúp mọi người cảm thấy an tâm, bình tĩnh, vượt qua được nỗi sợ lúc đầu”.

Cả gia đình đều cố gắng ăn uống điều độ, uống nhiều nước, bổ sung vitamin và chăm vận động.

Vợ anh Tài vốn là giáo viên yoga nên có thể hướng dẫn các thành viên trong nhà những bài tập thở, thư giãn gân cốt. Ngoài ra, bố mẹ anh Tài tích cực đi lại trong nhà, đạp xe chở các cháu vòng quanh sân vườn.

“Theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi cũng theo dõi sát sao về nhiệt độ, huyết áp và thường xuyên đo Sp02, chỉ số oxy trong máu cho các thành viên, đặc biệt là bố mẹ có sẵn bệnh nền, để đề phòng trường hợp bất trắc có thể đến bệnh viện ngay lập tức”.

Sau hơn nửa tháng cách ly, điều trị theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, cả gia đình dần hồi phục. Các con của anh Tài là những người khỏi bệnh nhanh nhất, chỉ sốt khoảng 1-2 ngày là đã bắt đầu tươi tỉnh.

“Sau 10 ngày, vợ chồng tôi cũng hết sốt, đau họng chỉ còn triệu chứng ho và mất khứu giác, vị giác. Mừng nhất là bố mẹ tôi cũng hồi phục sau khoảng nửa tháng. Khoảnh khắc nhận được thông báo cả gia đình đều đã âm tính, chúng tôi hạnh phúc vỡ òa”.

Từ kinh nghiệm của mình, anh Tài cho biết tinh thần quyết định 80% việc điều trị Covid-19 có thành công hay không.

“Nếu tâm lý lo lắng, mất ngủ, mất ăn, suy nhược cơ thể thì Covid-19 sẽ thừa thắng xông lên. Nên phải luôn lạc quan, vui vẻ, cứ nhìn vào tỷ lệ 98% người đã hồi phục để tin rằng mình cũng có thể làm được”.

Những chuyến xe trả ơn cuộc đời

Nửa tháng qua, cứ khoảng 6h, anh Tài lại chạy xe hơi của mình đến các điểm tiếp nhận rau củ, thịt cá quyên góp, sau đó chở về những bếp ăn từ thiện.

Đợi cơm, thức ăn được nấu và chia phần xong, anh Tài cùng khoảng 10 tài xế khác trong nhóm “Việt Nam ơi cố lên” sẵn sàng lên đường giao đến hàng chục bệnh viện, khu cách ly trong thành phố.

Ông bố 4 con là nhà sáng lập một công ty chăm sóc sức khỏe. Anh kể trong đội ngũ tài xế đưa cơm, nhiều người cũng là chủ tịch, giám đốc công ty.

“Giờ đây, khoác bộ đồ bảo hộ vào, ai cũng như ai. Mọi người đều tự tay bốc hàng, đưa cơm, dậy thật sớm để chở được rau củ, thịt cá tươi ngon nhất cho các bếp, sau đó nhanh chân, nhanh tay mang những phần ăn nóng hổi đến các bệnh viện”.

Ban đầu, anh Tài kể bố mẹ, vợ con không ủng hộ việc anh tham gia hoạt động tình nguyện. Nhiều bạn bè cũng khuyên anh nên ở nhà nghỉ ngơi thêm thay vì thường xuyên lui tới những nơi như bệnh viện, khu phong tỏa.

“Nhưng tôi biết rằng mình đã khỏi bệnh, khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Trong tôi cũng có kháng thể chống lại Covid-19 như những người đã được chích 2 mũi vaccine. Cuộc chiến chống dịch đang cần những người như tôi, nếu mình còn e ngại thì ai sẽ làm việc này đây”.

Anh Tài cho biết “Việt Nam ơi cố lên” được thành lập từ ngày 11/7/2021. Đến hiện tại, dự án với 6 bếp nấu, đã phục vụ hơn 120.000 suất ăn cho 55 địa điểm, trong đó có 23 bệnh viện, 11 khu phong tỏa và khu vực cách ly, 15 đơn vị tuyến đầu, 2 ký túc xá đại học và nhiều khu vực có người vô gia cư.

"Trong tất cả phần cơm tôi chở đi hàng ngày, hơn một nửa là gửi tới các y, bác sĩ, nhân viên y tế tuyến đầu tại những bệnh viện dã chiến. Không thể bắt tay hay tiếp xúc gần, các bác sĩ thường đứng từ xa đưa tay lên ngực và cúi đầu cảm ơn. Cử chỉ ấy thật đẹp và khiến tôi thực sự xúc động", anh Tài chia sẻ.

TIN LIÊN QUAN