Theo ông Khương, có hai vấn đề cốt lõi cần quan tâm là pháp lý và dòng tiền. Chúng ta đang sử dụng hai công cụ chính sách tiền tệ và tài khóa để áp dụng quản lý cho bất động sản. Tuy nhiên, phân khúc gặp khó nhất trước các công cụ này không phải là bất đông sản nhà ở mà điều gây khó đầu tiên là pháp lý. Đây là yếu tố đẩy chi phí đầu vào, làm tăng giá của nhà ở khi giá trị thật không có.
Thị trường bất động sản Việt Nam rất nhỏ, riêng bất động sản nhà ở, nguồn vốn và tiềm lực tập trung chủ yếu ở nhà đầu tư trong nước. Nhóm cần nguồn vốn thật sự để phát triển ngành công nghiệp không khói là bất động sản du lịch.
Nhóm thứ hai quyết định rất lớn đến tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần tăng trưởng kinh tế là bất động sản công nghiệp. Hai lĩnh vực này sẽ tác động ngược lại đến bất động sản nhà ở.
Vì thế, theo ông Khương, dòng tiền cần nhìn lại ở góc độ vĩ mô là mức độ tăng trưởng nền kinh tế và lợi ích của doanh nghiệp.
Các ý kiến khác cũng chỉ ra vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là thể chế pháp luật. Việc tháo gỡ chính sách pháp luật nhằm mục đích giúp dòng tiền được luân chuyển. Bên cạnh đó, nếu tháo gỡ được thể chế pháp luật thị trường mới phát triển ổn định và bền vững, dòng tiền luân chuyển được trong nền kinh tế và thị trường bất động sản.
TS. Sử Ngọc Khương cho rằng, thị trường hiện tại nguồn cung thấp, giá bán còn cao nên thanh khoản đang hạn chế. Dự kiến từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản vẫn sẽ diễn ra theo xu hướng như vậy.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2022, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE cho biết, trong quý 2/2022, thị trường trở nên sôi động, đón nhận số lượng sản phẩm tăng cao đột biến so với cùng kỳ, đạt gần 13.000 căn. Tổng nguồn cung mới trong nửa đầu 2022 gần bằng nguồn cung mới cả năm 2021. Điều này cho thấy thị trường có sức bật rất cao. Tuy nhiên số lượng sản phẩm này chủ yếu tập trung ở các dự án lớn, tức số lượng dự án không có sự chuyển biến nhiều.
Cũng theo ông Kiệt, giá bán có xu hướng tăng cao. Hiện nay tại TP.HCM không có căn hộ bình dân và trung cấp, nếu có thì nằm ở xa trung tâm. Nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án cao cấp và hạng sang đã đẩy giá bán căn hộ ở thị trường TP.HCM tăng vọt.
Giá bất động sản liền thổ tăng mạnh khi các dự án mới xác lập mức giá kỷ lục. Giá loại hình nhà phố và biệt thự tăng gần tương đương nhà phố thương mại nhờ nguồn cung mới giá cao. Nguồn cung sơ cấp giá phải chăng ngày càng khan hiếm.
Nhu cầu nhà đầu tư ở phân khúc này lớn trong khi số lượng sản phẩm có giới hạn đã đẩy giá bán nhà liền thổ tăng “cao chót vót”. Giá sản phẩm trung bình 200-400 triệu đồng/m2, đặc biệt có những sản phẩm biệt thự lên đến 700 tỷ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường biệt thự TP.HCM
Giai đoạn 2020-2021 thị trường chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi đại dịch, dự án không thể triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, nguồn cung mới và doanh số bán dự kiến dần hồi phục trong năm 2022 và phục hồi hoàn toàn vào năm 2023.
CBRE dự báo, trong năm 2022 nguồn cung căn hộ sẽ ở mức 22.000-24000 căn. Giai đoạn 2023-2024 sẽ đón nhận nhiều tín hiệu tích cực hơn khi có nhiều sản phẩm được chào bán.
Sự mất cân đối về nguồn cung tại TP.HCM ngày càng rõ, do chi phí phát triển dự án bị đẩy lên cao nên hầu hết sản phẩm đưa ra thị trường thời gian tới chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp và hạng sang. Phân khúc tầm trung không có nguồn cung từ nay đến cuối năm nếu không có sự hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nhà ở bình dân, nhà ở xã hội.
“Dòng tiền sẽ nằm ở các sản phẩm cao cấp, nhóm sôi động nhất chỉ nằm ở các nhà đầu tư có tài chính mạnh. Thực tế, nhóm khách hàng có nhu cầu nhà ở rất lớn nhưng họ không biết mua gì, mua ở đâu và tìm ở đâu để mua. Hiện nay mua sản phẩm khoảng 3 tỷ đồng trên thị trường thứ cấp thì rất khó khăn vì ngân hàng đang siết tín dụng”, ông Kiệt chia sẻ thêm.