UBND tỉnh Thái Nguyên mới đây đã công bố danh mục 387 hồ, ao, đầm trên địa bàn tỉnh không được phép san lấp, đồng thời giao nhiệm vụ quản lý cụ thể cho tổ chức, cá nhân liên quan.
Theo đó, trong số 387 hồ, ao, đầm được công bố có 98 hồ do cấp tỉnh quản lý và 298 hồ, ao, đầm do cấp huyện quản lý. Việc công bố danh mục ao, hồ, đầm không được phép san lấp nhằm bảo đảm công tác phòng, chống ngập úng và bảo vệ nguồn nước trên địa bàn tỉnh.
Để công tác quản lý bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định và hiệu quả, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường; UBND các huyện, thành phố; tổ chức, cá nhân. Trong đó đối với tổ chức, cá nhân đang quản lý vận hành, khai thác hồ, ao, đầm trong danh mục có trách nhiệm sử dụng đúng mục đích và tuân thủ các quy định về quản lý, bảo vệ không được san lấp; xây dựng phương án, tổ chức bảo vệ và quản lý theo quy định của pháp luật...
Không được thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác, vi sinh vật chưa được kiểm định và tác nhân độc hại khác đối với con người và sinh vật vào hồ, ao, đầm. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân xả chất thải chưa qua xử lý vào hồ, ao, đầm thì tổ chức, cá nhân quản lý vận hành phải kịp thời kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đã xác định rõ vai trò của cộng đồng dân cư trong việc quản lý ao, hồ, đầm thuộc danh mục không được san lấp đã công bố. Trong đó có việc tố giác các hành vi vi phạm các quy định về quản lý, khai thác, sử dụng hồ, ao, đầm không được san lấp với cơ quan chức năng và chính quyền các cấp. Những trường hợp vi phạm sẽ được xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định.