Fitch nâng triển vọng tín nhiệm ACB từ “ổn định” lên “tích cực”

(CL&CS) - Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings vừa công bố về việc nâng mức triển vọng tín dụng dài hạn bằng ngoại tệ (Long-Term Issuer Default Rating - IDR) của ACB từ mức "Ổn định" lên "Tích cực", đồng thời giữ nguyên mức xếp hạng "BB-".

Fitch nâng triển vọng tín nhiệm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) lên "Tích cực"

Fitch cũng giữ nguyên Xếp hạng khả năng thanh toán (Viability Rating - VR) ở mức "bb-", Xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ (Government Support Rating - GSR) ở mức "bb-", và lần đầu tiên cấp xếp hạng IDR nội tệ dài hạn ở mức "BB-" với triển vọng "Tích cực" đối với ACB.

Theo báo cáo đánh giá mới nhất từ Fitch Ratings, ACB đạt được một số yếu tố thúc đẩy tổ chức này điều chỉnh nâng hạng trong đánh giá về triển vọng phát triển bền vững, lâu dài như năng lực tín dụng được cải thiện, chiến lược bán lẻ đúng hướng, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát cùng với hệ thống quản trị rủi ro chặt chẽ trong khi khả năng sinh lời được dự báo tăng trưởng và có vốn dự trữ ổn định.

Fitch ghi nhận Xếp hạng IDR dài hạn của ACB dựa trên xếp hạng VR, phản ánh năng lực quản lý rủi ro tín dụng độc lập của ngân hàng. Triển vọng “Tích cực” phản ánh kỳ vọng về sự cải thiện chất lượng tài sản trong 12-18 tháng tới, nhờ môi trường kinh tế thuận lợi và tiêu chuẩn thẩm định nhất quán của ACB bên cạnh những yếu tố khác giúp giảm thiểu rủi ro liên quan đến tăng trưởng tín dụng nhanh.

Là một trong những ngân hàng tư nhân hàng đầu Việt Nam, ACB khẳng định vị thế với tỷ trọng tín dụng và huy động mảng bán lẻ cao nhất trong số các ngân hàng tư nhân nội địa được xếp hạng với tỷ lệ lần lượt chiếm 65% và 80%. Đây là tỷ lệ cao nhất trong số các ngân hàng tư nhân nội địa được xếp hạng và là một trong những yếu tố quan trọng giúp ngân hàng tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định.

Fitch chỉ ra rằng ACB đang không chỉ tập trung vào mảng bán lẻ mà còn đẩy mạnh mảng doanh nghiệp một cách có chọn lọc, ra mắt nhiều sản phẩm dịch vụ mới và đồng hành mang đến nhiều giá trị hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian gần đây.

ACB cũng là ngân hàng kiểm soát nợ xấu tốt. Mặc dù trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu của ACB tăng lên 1,5%, nhưng tỷ lệ này vẫn thấp hơn mức trung bình của ngành và các ngân hàng khác được xếp hạng, điều này cho thấy khả năng lựa chọn khách hàng tốt của ngân hàng. Do đó, Fitch đã điều chỉnh triển vọng đối với điểm chất lượng tài sản từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”.

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi khách hàng (LDR) của ACB tăng lên 99% vào tháng 9 năm 2024, phù hợp với các xu hướng chung trong ngành, tỷ lệ LDR theo quy định của NHNN luôn ở mức thấp dưới 84%. Fitch Ratings đánh giá cao năng lực quản trị rủi ro của ngân hàng và kỳ vọng các chỉ số thanh khoản sẽ duy trì ở mức phù hợp với xếp hạng để trở nên tốt hơn trong năm tới.

Tuy tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 của ACB (Fitch Core Capitalisation) giảm xuống 12,3% vào tháng 9 năm 2024 nhưng vẫn đảm bảo bộ đệm vốn đầy đủ. ACB dự kiến sẽ duy trì vốn cấp 1 cao hơn mức trung bình của các đối thủ được xếp hạng, nhờ khả năng tạo vốn nội bộ được cải thiện.

Theo Fitch, trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% trong 9 tháng đầu năm 2024, dự báo tăng trưởng trung bình 6,5% trong các năm tới sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ACB mở rộng hoạt động kinh doanh và giảm thiểu rủi ro liên quan đến chất lượng tài sản. Fitch dự báo khả năng sinh lời của ACB sẽ phục hồi vào năm 2025 nhờ nhu cầu vay bán lẻ tăng trở lại, và thu nhập phụ thuộc vào thị trường sẽ được cải thiện khi thị trường phát triển ổn định.

Việc được Fitch Ratings nâng cấp triển vọng và giữ nguyên mức xếp hạng tín dụng “BB-” một lần nữa khẳng định vị thế vững chắc của ACB trên thị trường tài chính Việt Nam bằng hành trình tiếp tục đổi mới, duy trì chất lượng dịch vụ và tập trung vào các giải pháp tài chính bền vững, đồng hành cùng khách hàng theo hướng lâu dài.

TIN LIÊN QUAN