FE Credit trở lại đường đua, lợi nhuận năm 2024 của VPBank tăng 85%

(CL&CS) - Sau quá trình tái cấu trúc toàn diện, FE Credit báo lãi liên tiếp trong 3 quý gần nhất và đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2024 đã góp phần đưa lợi nhuận của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tăng 85%.

Năm 2024, VPBank đạt 18.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ và 20.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất.

Tín dụng phục hồi, lợi nhuận tăng tốc

Thuận nước đẩy thuyền nhờ xu hướng phục hồi rõ nét của nền kinh tế trong quý cuối năm 2024, quy mô tín dụng hợp nhất của VPBank cán mốc 710.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Tính riêng quý 4/2024, lợi nhuận hợp nhất đạt hơn 6.100 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.

Ngân hàng mẹ ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 18.300 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2023. Các công ty con tiếp tục đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh, đặc biệt là sự trở lại mạnh mẽ của FE Credit sau quá trình tái cấu trúc toàn diện, khi báo lãi liên tiếp trong 3 quý gần nhất và đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận cả năm 2024.

Với chiến lược tập trung bán lẻ, hưởng lợi từ đà tăng trưởng cao của khu vực thương mại - dịch vụ (tăng 8,21% trong quý 4 và 7,38% cho cả năm 2024), VPBank đã tăng tốc mở rộng quy mô tín dụng, ghi nhận cho vay tăng trưởng ổn định trong các phân khúc chiến lược và phân khúc tiềm năng FDI.

Kết thúc 31/12/2024, quy mô tín dụng tại ngân hàng mẹ đạt hơn 629.000 tỷ đồng, tăng 19,4% so với đầu năm và cao hơn so với trung bình ngành 15%. Riêng quý 4/2024, tín dụng của ngân hàng mẹ tăng 8,2% so với quý liền trước, trong đó hai phân khúc khách hàng cá nhân và SME ghi nhận tín dụng tăng gần 7% so với quý 3. Sản phẩm cho vay ô tô tiếp tục gặt hái thành công, vững vàng duy trì vị thế dẫn đầu về thị phần xe du lịch cá nhân trên thị trường.

Nhờ cầu tiêu dùng cải thiện dần trong năm và quá trình tái cấu trúc thành công, quy mô tín dụng của FE Credit tăng 10,3% và doanh số giải ngân cả năm 2024 tăng 40% so với 2023.

Bên cạnh việc duy trì vị thế tại mảng bán lẻ, VPBank cũng không ngừng tìm kiếm cơ hội ở những phân khúc mới tiềm năng. Với sự hậu thuẫn của cổ đông chiến lược SMBC, phân khúc FDI của ngân hàng đã ghi nhận dư nợ tín dụng tăng trưởng gấp ba lần so với 2023.

Quản lý bảng cân đối hiệu quả, kiểm soát tốt chi phí vốn

Nhờ quản lý bảng cân đối sát sao, hiệu quả, VPBank đã duy trì sự ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động của ngân hàng trong năm 2024.

Thông qua việc tối ưu danh mục huy động từ khách hàng và đa dạng hóa nguồn vốn trung dài hạn quốc tế, chi phí vốn của ngân hàng riêng lẻ nằm ở mức 4,3%, giảm gần 2% so với cả năm 2023, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng của thu nhập lãi.

Các tỷ lệ an toàn thanh khoản như tỷ lệ cho vay trên tổng huy động (LDR) ở mức 81,6%, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 27,3% đều ở mức tốt so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cùng với đó, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II của ngân hàng hợp nhất đạt 15,4%, tiếp tục dẫn đầu hệ thống.

Với công tác thu hồi nợ thực hiện bài bản, đi đôi với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, VPBank đã ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động thu hồi nợ. Thu từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong năm 2024 đạt 5.600 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần so với năm 2023.

VPBank tiếp tục áp dụng đa dạng các biện pháp xử lý nợ xấu, giúp đảm bảo tỷ lệ nợ xấu (NPL) theo Thông tư 11 của ngân hàng mẹ được kiểm soát dưới ngưỡng 3% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, nợ xấu của FE Credit tiếp tục xu hướng cải thiện rõ rệt khi giảm trong ba quý liền kề.

TIN LIÊN QUAN