EVFTA - nền tảng thu hút FDI cho Việt Nam

(CL&CS) - Đầu tháng 8 vừa qua, Hiệp định EVFTA chính thức được đưa vào thực thi. Và chỉ trong thời gian ngắn, nó đã phát huy những hiệu quả bước đầu. Từ sức lan tỏa của EVFTA, các doanh nghiệp nước ngoài đã chú ý nhiều hơn đến Việt Nam. Dự báo trong thời gian tới, bùng nổ làn sóng doanh nghiệp FDI đổ bộ vào nước ta để tìm kiếm cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường.

Lợi thế về nguồn lao động và nhiều yếu tố có lợi từ EVFTA dự kiến Việt Nam sẽ là điểm đến của nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới.

Theo cam kết, Hiệp định EVFTA sẽ khiến 99% các dòng thuế giữa Việt Nam và EU được gỡ bỏ theo lộ trình 10 năm tới. Trong đó, 65% các mặt hàng của EU và 71% các mặt hàng của Việt Nam không bị đánh thuế ngay khi EVFTA được đưa vào thực thi.

Nhật Bản hiện tại đang đứng thứ 2 về tổng vốn đầu tư tại Việt Nam với số vốn đăng ký trên 60 tỷ USD/tổng vốn 380 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Việc doanh nghiệp Nhật Bản đã và vẫn đang tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư được ông Terence Alford - Giám đốc Phòng Thị trường vốn và dịch vụ đầu tư Colliers International - chỉ ra: Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 biến động không ngừng cùng với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn diễn ra, các tổ chức tài chính và doanh nghiệp Nhật Bản nhận thấy Việt Nam là một điểm đến mới hấp dẫn và ổn định hơn để thành lập công ty mới cũng như di dời các doanh nghiệp hiện tại khỏi Trung Quốc.

Mới đây, trên website của Văn phòng Thương mại Công nghiệp (IHK Bayern) đã đăng một bài viết về cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp Đức tại thị trường Việt Nam, đánh giá Việt Nam là một môi trường đầu tư và phát triển vô cùng thuận lợi trong thời gian tới mà doanh nghiệp Đức cần nhắm đến.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang là thị trường mới với những doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Mỹ… So với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam được đánh giá là một môi trường kinh doanh tương đối tiềm năng chứng minh qua nền chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn.Cụ thể là trong bối cảnh vừa đối mặt với dịch bệnh, vừa duy trì hoạt động sản xuất, GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay vẫn đạt tăng trưởng 1,81%. Trong đó, động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn bán lẻ tăng 4,3%,hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Nhờ đó, các nhà đầu tư coi Việt Nam là một điểm đến minh bạch hơn để hoạt động. Các chuyên gia phân tích của Công ty CP Chứng khoán SSI đánh giá, dịch COVID-19 đang đẩy sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác diễn ra nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Pegatron (Đài Loan-Trung Quốc), Amazon (Mỹ) và Home Depot (Mỹ) bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng - cho thấy Việt Nam là 1 trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.

Tuy nhiên, để tận dụng được những điểm cộng trên mà doanh nghiệp ngoại đánh giá, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm như: cải thiện hạ tầng, logistics, giải quyết vấn đề quyền sở hữu trí tuệ, thủ tục hành chính, cắt giảm giấy phép con…

Tin, ảnh: Nguyễn Ngọc

Nên đọc