Thư viện cộng đồng
Đường sách đang tạo ra một môi trường sống tốt; là thư viện cộng đồng cho học sinh; là điểm đến yêu thích của người trẻ và đã truyền được cảm hứng cho những địa phương và quốc gia khác làm theo.
Ông Trần Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Văn hóa New Viets chia sẻ: “Biến một con đường giao thông thành một không gian văn hóa là một ý tưởng hay trên nhiều phương diện. Việc được “quy về” một mối sẽ giúp các nhà xuất bản có được không gian kinh doanh mang đậm màu sắc văn hóa hơn so với việc phải thuê mặt bằng trên các con đường khác. ‘Mua có bạn, bán có phường’, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tìm mua sách, nhất là những đầu sách quý của người dân”.
Ngoài ra, tận dụng không gian đường sách để các tác giả tổ chức các buổi giao lưu, giới thiệu sách thì không gì hợp lý bằng. Với hàng ngàn hoạt động chủ đề gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa; các chương trình giới thiệu sách, giao lưu tác giả được tổ chức một cách đặc sắc, lành mạnh...Đường sách Sài Gòn đã dần trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho mỗi người dân, gia đình, trường học hay các cơ quan...
Việc tạo ra một môi trường sống tốt đã giúp Đường sách Sài Gòn nhận được sự tín nhiệm của các trường học đủ cấp. Nhiều trường đã chọn nơi đây để tổ chức các sự kiện, giúp các em nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sách trong cuộc sống.
Với ý tưởng “Xe buýt sách - chuyến xe chở trí thức, chở tương lai” được mô phỏng từ chuyến xe buýt số 8 - Bến xe Quận 8 đến Làng Đại học Thủ Đức, Công ty Đường sách đã giúp các em và du khách có thêm một trải nghiệm thú vị nữa khi đến Đường sách TP.HCM.
Ngoài ra, mỗi đơn vị có gian hàng tại đây cũng đều không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra những chương trình bổ ích phục vụ cho các em học sinh nói riêng và du khách nói chung. Như NXB First News - Trí Việt chẳng hạn, đơn vị này đã rất thành công với các chương trình về chủ quyền biển đảo quê hương; đấu giá tranh Gạc Ma vòng tròn bất tử... để giúp các em, những thế hệ tương lai của đất nước hiểu rõ hơn về chủ quyền lãnh thổ, tinh thần dân tộc.
Truyền cảm hứng, tạo dấu ấn
Doanh số kinh doanh từ các gian hàng cũng đem lại nhiều tín hiệu đáng mừng cho các đơn vị xuất bản. Doanh thu của đường sách năm sau đều tăng hơn năm trước. Năm 2016 là 26,4 tỷ đồng; năm 2017 là 39,5 tỷ đồng; năm 2018 là 39,8 tỷ đồng và 3 quý đầu năm 2019 là 33 tỷ đồng với hàng triệu bản sách được bán ra.
Từ thành công trên, Đường sách TP.HCM đã trở thành niềm cảm hứng cho những địa phương khác. Trong đó, TP. Cần Thơ đã lên kế hoạch xây dựng Đường sách TP. Cần Thơ, theo dự kiến sẽ được đặt tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều.
Không chỉ truyền cảm hứng cho các địa phương trong nước, đường sách còn là niềm cảm hứng để nước bạn Myanmar lập nên một đường sách riêng biệt ở Yangon. Đường sách Yangon ra đời không chỉ khuyến khích văn hóa đọc, mà còn là phao cứu cánh cho ngành xuất bản sách đang gặp khó của nước này.
Ông U Myo Aung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản và Phát hành sách Myanmar: “Đường sách ở TP.HCM (Việt Nam) và Thành phố sách Paju ở Seoul (Hàn Quốc) đã truyền cảm hứng cho chúng tôi có một con đường sách của riêng mình”.
Ông Nguyễn Văn Phước, CEO kiêm nhà sáng lập First News Trí Việt cho rằng đường sách đã dần được định hình như bộ mặt văn hóa của thành phố. Tuy nhiên, để đường sách tạo được “dấu ấn” thì cần phải có sự đồng bộ, trau chuốt trong việc thiết kế các gian hàng. “Đường sách nên có cổng ở hai đầu với tên gọi bằng tiếng Anh để định dạng thương hiệu trong mắt du khách quốc tế” - ông Phước đề nghị.
Bài và ảnh: Minh Luân