Dư nợ tín dụng bất động sản chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế

(CL&CS) - Trong đó, cho vay nhà ở chiếm 63% với khoảng 1 triệu tỷ đồng, còn lại là tín dụng kinh doanh bất động sản chiếm khoảng 37% đạt 606.250 tỷ đồng.

Cuối tuần qua, tại “Hội thảo khoa học quốc gia về phát triển thị trường bất động sản tại TP.HCM”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho biết, tính đến hết quý 3/2020 nguồn vốn tín dụng vào thị trường bất động sản tăng 16% so với cuối năm 2019. Trong đó, tổng dư nợ tín dụng bất động sản (gồm cả vay xây và mua nhà ở) khoảng 1,6 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 19% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong đó cho vay nhà ở chiếm 63% (1 triệu tỷ đồng) còn lại là tín dụng kinh doanh BĐS chiếm khoảng 37% đạt 606.250 tỷ đồng.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, để thị trường bất động sản phát triển bền vững, cần phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Nhận định về tài chính bất động sản, TS.Cấn Văn Lực cho rằng, bất động sản vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay ngân hàng, rất thiếu nguồn vốn trung dài hạn (do kênh huy động từ thị trường chứng khoán còn hạn chế). Thị trường chưa có các công cụ, sản phẩm tài chính hiện đại, như chứng chỉ quỹ đầu tư bất động sản, chứng khoán hóa bất động sản, Proptech mới xuất hiện… Ngoài ra, tính liên thông giữa thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán chưa cao, chủ yếu do thị trường thứ cấp chưa phát triển.

Dự báo về xu thế phát triển thị trường bất động sản nhà ở đến năm 2030, TS Cấn Văn Lực cho biết, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5-7% giai đoạn 2021 - 2030, thu nhập bình quân đầu người dự báo đạt gần gấp đôi hiện nay với khoảng 6.000 - 6.500 USD.

Cũng theo vị chuyên gia này, xu thế đô thị hóa sẽ tiếp tục diễn ra; xu thế nhà ở sẽ thay đổi cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, xu hướng tiêu dùng, đầu tư, lối sống hậu COVID-19. Cùng với đó, xu hướng bất động sản xanh, đô thị thông minh, đa tiện ích kết hợp với hạ tầng đồng bộ sẽ lên ngôi trong vòng 10 năm tới; xu hướng "secondhome" tiếp tục tăng; vấn đề nhà ở xã hội sẽ được quan tâm hơn và dự kiến tiếp tục đưa vào mục tiêu chính trong chiến lược phát triển nhà ở sắp tới.

Ngoài ra, ông Lực cũng đưa ra số kiến nghị, nhóm giải pháp cho thị trường bất động sản. Cụ thể, về thủ tục hành chính và thể chế cần chuẩn hóa pháp lý bất động sản nghỉ dưỡng, miễn giấy phép xây dựng đã phê duyệt quy hoạch 1/500; khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp; hoàn tất rà soát thủ tục pháp lý các dự án bất động sản; cắt giảm thủ tục, thời gian, chi phí đầu tư xây dựng. Đối với tín dụng, cần sớm ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN sửa đổi, tăng cường cho vay nhà ở, thực thi gói tín dụng nhà ở xã hội của Chính phủ.

TIN LIÊN QUAN