Du lịch Việt Nam hứa hẹn bứt phá trong năm 2023

Sau hơn 2 năm ngưng trệ, du lịch Việt Nam đã trở lại ấn tượng và gặt hái được các kết quả khả quan. Trong năm 2023, tuy ngành "công nghiệp không khói" được dự báo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kỳ vọng sẽ vươn lên mạnh mẽ.

Ngành du lịch phục hồi ngoạn mục

Năm 2022 với những biến động của tình hình kinh tế, chính trị, hoạt động du lịch thế giới đã không được phục hồi như dự báo mà diễn ra chậm, nhất là ở khu vực châu Á.

Ở Việt Nam, năm 2022 là năm đầu tiên khôi phục lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Sau hơn 2 năm ngưng trệ, ngành du lịch đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ quan trọng và đạt được những kết quả nổi bật góp phần phát triển kinh tế sau đại dịch.

Du lịch Việt Nam năm 2023 đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch

Ngành du lịch cũng đóng vai trò lớn trong việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Du lịch, năm 2022, sau khi gỡ bỏ mọi hạn chế đi lại, lượng khách nội địa cả năm đã đạt 101,3 triệu lượt, tăng 168,3% so với mục tiêu 60 triệu lượt và vượt con số của năm 2019. Lượng khách du lịch quốc tế năm 2022 ước đạt 3,5 triệu lượt. Tổng thu từ du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, sau dịch Covid - 19, du lịch nội địa là điểm sáng, “cứu cánh” cho sự phục hồi và tăng trưởng, khẳng định vai trò của thị trường này với sự phát triển của ngành du lịch trong bối cảnh du lịch quốc tế còn gặp nhiều khó khăn ở phạm vi toàn cầu. Theo báo cáo năm 2022 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Chỉ số năng lực phát triển của du lịch Việt Nam năm 2021 xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong nhóm 3 quốc gia có mức độ cải thiện tốt nhất trên thế giới.

Một trong những dấu ấn nổi bật nữa trong năm 2022 là việc toàn ngành triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số, hình thành hệ sinh thái thông minh trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi như hệ thống cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam; nền tảng quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.

Tại giải thưởng World Travel Awards 2022, du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu Thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á. Trong 5 năm gần nhất, Việt Nam 3 lần được tôn vinh là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới; 4 lần nhận danh hiệu Điểm đến hàng đầu châu Á; Tổng cục Du lịch Việt Nam 3 lần được bình chọn là Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á; Việt Nam lần thứ 6 đoạt danh hiệu "Điểm đến du lịch Golf tốt nhất châu Á" tại Giải thưởng World Golf Awards 2022 cùng nhiều danh hiệu quốc tế uy tín khác dành cho các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam.

Kỳ vọng bứt phá...

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, bên cạnh sự trở lại ngoạn mục sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19, ngành du lịch vẫn gặp một số khó khăn, thách thức, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái; các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Nền kinh tế trong nước tuy có những thời cơ, thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn. 

Du lịch thế giới tuy đã có sự phục hồi nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam chưa mở cửa hoàn toàn; các chính sách thị thực của Việt Nam chưa có ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, năm 2022, trung bình mỗi khách quốc tế chi tiêu khoảng 2,9 triệu đồng/ngày; khách nội địa chi tiêu 1,2 triệu đồng/ngày. Trong vài năm tới, khả năng chi tiêu của khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) sẽ không tăng do "hậu" Covid-19. Tuy nhiên, khả năng chi tiêu sẽ tăng dần khi kinh tế phục hồi, thu nhập của người dân được cải thiện, và khi các dịch vụ du lịch đa dạng hơn, chất lượng cao hơn.

Năm 2023, ngành Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch khoảng 650 nghìn tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu này, Tổng cục Du lịch tập trung triển khai các chương trình, đề án trọng tâm của ngành như: Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 sau khi được phê duyệt; Đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam...