Dự báo giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL sẽ biến động trong thời gian tới

(CL&CS) - Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tới hết tháng 6/2021, tổng diện tích thả nuôi cá tra đạt 1.750 ha, tăng 1,01% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng thu hoạch đạt 704,1 nghìn tấn, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020 (698 nghìn tấn).

Các địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất là: Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tiền Giang và TP. Cần Thơ.

Toàn vùng ĐBSCL có khoảng 120 cơ sở sản xuất giống cá tra (cơ sở có nuôi giữ đàn cá tra bố mẹ), gần 3.000 ha ương dưỡng cá tra giống; sản xuất được khoảng 0,9 tỷ cá tra giống (bằng 100% so với cùng kỳ năm 2020); Đến hết năm 2020 đã thay thế 60.000 nghìn con cá tra bố mẹ chọn giống cho các cơ sở sản xuất cá giống.

Giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL sẽ biến động trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Hiện vùng ương giống cá tra tập trung với diện tích 184 ha (bao gồm 104 ha của Công ty Cổ phần Cá Tra Việt Úc và 80 ha công ty TNHH MTV Nuôi trồng Thủy sản Nam Việt Bình Phú và các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp có chất lượng cao và truy xuất được nguồn gốc đã xây dựng thành công. Hàng năm, chuỗi liên kết này đã sản xuất 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc, cung cấp cho vùng ĐBSCL.

Nhà nước cũng đang đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng vùng ứng dụng công nghệ cao để sản xuất cá tra giống có chất lượng với diện tích 350ha (xã Mỹ Phú: 140ha; xã Bình Phú: 210ha, trong đó diện tích mặt nước sản xuất giống cá tra 240ha, năng lực sản xuất 900 triệu con cá tra giống (20-25con/kg) đưa vào nuôi thương phẩm.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, tính tới cuối tháng 6/2021, diện tích nuôi cá tra của tỉnh là 1.517,27 ha (trong đó diện tích năm 2020 chuyển sang là 1.072,9 ha), diện tích thu hoạch là 434,91 ha, sản lượng thu hoạch 181.198 tấn.

Tại tỉnh An Giang, tính tới cuối tháng 6/2021, diện tích thả nuôi cá tra của tỉnh An Giang đạt 1.226ha, sản lượng xuất khẩu trên 113.000 tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu hơn 273 triệu USD năm 2020. 

Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản TP. Cần Thơ, cá tra là đối tượng thủy sản nuôi chủ lực của thành phố, trong tháng 7/2021 diện tích nuôi cá tra là 15 ha, diện tích thu hoạch 48 ha với sản lượng 15.772 tấn. Lũy kế tình tới tháng 7/2021, diện tích nuôi cá tra là 563 ha, bằng 98% so với cùng kỳ, đạt 76% so với kế hoạch năm, diện tích thu hoạch là 263 ha, sản lượng nuôi cá tra là 81.037 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ, đạt 49% so với kế hoạch năm.

Theo Sở NN&PTNT Vĩnh Long, tính tới giữa tháng 7/2021, diện tích cá tra thâm canh của tỉnh đạt gần 283ha, giảm 10,5%, sản lượng ước đạt trên 49.200 tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ.

Nửa đầu năm 2021, giá nguyên liệu vật tư đã tăng 3-4 đợt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho hoạt động của nhà máy chế biến cũng tăng từ 5-25%: găng tay, nhựa, bao bì, băng keo... giá thức ăn thủy sản cũng tăng từ 15-20%, chưa kể tiền lương người lao động, cước vận tải biển tăng từ 5-7 lần... cũng là những yếu tố cấu thành thúc đẩy giá trị cá tra XK tăng thêm. Tuy nhiên, với giá (FOB) XK trung bình cá tra phile đông lạnh ổn định mức 2,2 USD/kg thì cả người nuôi lẫn DN đều gặp khó khăn.

Quý 2/2021, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL ổn định ở mức từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mới đây khi dịch Covid-19 bùng phát nhanh ở TP.Hồ Chí Minh và lan xuống ĐBSCL thì việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu tới nhà máy, các nhà máy chế biến cũng gặp rất nhiều khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng theo chuỗi như hiệu ứng domino tới tất cả các mắt xích cá tra và giá nguyên liệu trong thời gian tới.    

TIN LIÊN QUAN