Vừa qua, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận - đơn vị chủ đầu tư đã trình Bộ Giao thông vận tải phương án xây dựng cầu Cần Thơ 2.
Theo đề xuất, có hai phương án xây dựng được đưa ra. Ở phương án 1, cầu có tổng chiều dài hơn 1km, trong đó nhịp chính dài 0,55km. Đường sắt và đường bộ sẽ được tách riêng. Tổng mức đầu tư dự án gần 19.800 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng chiếm gần 12.900 tỷ đồng, hơn 2.600 tỷ đồng dành cho bồi thường và hỗ trợ tái định cư, phần còn lại là chi phí quản lý dự án, tư vấn và dự phòng.
Phương án 2 đề xuất cầu dài hơn 1,1km, nhịp chính vẫn là 0,55km. Đường sắt sẽ đi chung với đường bộ trên cùng mặt cầu. Tổng chi phí đầu tư dự kiến khoảng 27.500 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng và thiết bị hơn 18.540 tỷ đồng, bồi thường và hỗ trợ tái định cư hơn 2.820 tỷ đồng, phần còn lại dành cho quản lý dự án, tư vấn và chi phí dự phòng.
Cả hai phương án đều thiết kế cầu có 4 làn xe, mặt cầu rộng 24,75m. Nhịp chính của cầu sử dụng kết cấu dây văng, chuyên dành cho đường bộ. Phần khổ thông thuyền có chiều rộng 300m, trong đó luồng chính rộng 160m và cao 39m; luồng hai bên cao 30m.
Theo kế hoạch, cầu Cần Thơ 2 được xây dựng cách cầu Cần Thơ hiện tại khoảng 4,5km về phía hạ lưu. Dự án sẽ được khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2029.
Với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam, cầu Cần Thơ đã trở thành biểu tượng cho sự hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng. Đây cũng là một động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế cho TP. Cần Thơ nói riêng và toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Toàn tuyến cầu, bao gồm cả nhịp chính và các đường dẫn, có tổng chiều dài 15,85km và chiều cao 175,3m. Cầu chính được thiết kế với kết cấu dây văng dài 1.010m, tốc độ thiết kế đạt 80km/h. Đặc biệt, nhịp dây văng giữa dài 550m đã lập kỷ lục là nhịp cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á.
Cầu được xây dựng với kết cấu trụ hình chữ Y ngược, gồm 216 sợi cáp. Mặt cầu rộng 23,1m với quy mô gồm bốn làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề dành cho người đi bộ, mỗi lề rộng 2,75m. Độ cao tĩnh không thông thuyền là 39m, cho phép các tàu có trọng tải toàn phần lên đến 10.000DWT lưu thông qua lại một cách dễ dàng.
Dự án có điểm đầu kết nối với nút giao Chà Và - nằm ở cuối dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (phía Vĩnh Long) và điểm cuối kết nối với nút giao IC2 - nơi giao cắt với đường Nam Sông Hậu - điểm đầu của dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Bên cạnh phần cầu chính, dự án còn bao gồm các tuyến đường dẫn. Đường dẫn phía Vĩnh Long dài 8,38km, đi qua xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh) và đường dẫn phía Cần Thơ dài 3,52km, đi qua phường Tân Phú (quận Cái Răng).
Cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km. Các tuyến đường dẫn (gồm 6 cầu trên tuyến) đều có quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 24,75m, đạt tiêu chuẩn cao tốc. Tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng cho dự án là 520ha.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tuyến cao tốc phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long sẽ kết nối hiệu quả với các cảng biển, khu đô thị lớn, khu công nghiệp và trung tâm logistics trong vùng.
Do đó, việc nghiên cứu và triển khai sớm dự án cầu Cần Thơ 2 là rất cần thiết để đồng bộ với hệ thống cao tốc TP. HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ (công trình vốn đã được thông xe vào cuối năm 2023) và cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (dự án đang trong giai đoạn thi công, dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác từ năm 2026).
Cầu Cần Thơ 2 sẽ là "mắt xích" cuối cùng trong tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông tại khu vực miền Tây.