Vừa qua, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã diễn ra phiên họp của Hội đồng Thẩm định Nhà nước thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương là thành viên Hội đồng.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo phải tính đúng, tính đủ chi phí đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến với vận tốc thiết kế 350km/giờ, vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Đây là công trình đặc biệt quan trọng đối với phát triển đất nước, góp phần nâng tầm vị thế, cơ đồ của quốc gia trong kỷ nguyên mới nên cần các bộ, ngành quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để triển khai thực hiện.
Thông báo kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng là hai văn bản chính trị rất quan trọng, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả; quá trình triển khai thực hiện cần tổ chức có hiệu quả tạo sự thống nhất cao về nhận thức trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận trong xã hội; cần đổi mới cách nghĩ, cách làm với quan điểm: “Hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ tiến độ, rõ thời gian, rõ kết quả, sản phẩm; huy động mọi nguồn lực, trong đó yếu tố nguồn lực con người là quyết định, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; không nóng vội, không cầu toàn; với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi; công tác chuẩn bị phải chặt chẽ, kỹ lưỡng nhưng khi thực hiện phải nhanh, hiệu quả”.
Về tiến độ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị chỉ đạo Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên Hội đồng cho ý kiến trách nhiệm, bảo đảm khách quan, cụ thể, sát yêu cầu thuộc khâu thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong đó, tập trung vào các nội dung như dự báo nhu cầu vận tải; giải pháp kỹ thuật chính như hướng tuyến, tốc độ, quy mô nhà ga; tổng mức đầu tư; phương án đầu tư, hiệu quả dự án; nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án; các cơ chế, chính sách đặc thù…
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được trình bày tại phiên họp, Dự án đường sắt tốc độ cao cao tốc Bắc - Nam dự kiến sẽ đi qua 20 tỉnh/thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; chiều dài khoảng 1.541km với 23 ga hành khách (mỗi tỉnh bố trí 1 ga, riêng Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận mỗi tỉnh bố trí 2 ga). Để bảo đảm phục vụ quốc phòng an ninh, vận tải hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn, thuận lợi phục vụ công tác hậu cần quốc phòng, an ninh, liên vận quốc tế.
Trong thông báo kết luận, Hội đồng Thẩm định Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu kỹ các báo cáo kết quả thẩm định, thẩm tra, ý kiến của các thành viên Hội đồng, ý kiến thẩm định của các bộ, ngành liên quan, tiếp thu tối đa và khẩn trương hoàn thiện hồ sơ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, tập trung vào một số nội dung cụ thể.
Về hồ sơ Dự án, trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và Thường trực Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải tiếp thu, rà soát kỹ và bổ sung đầy đủ trong nội dung hồ sơ Dự án bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
Về dự báo nhu cầu vận tải, rà soát kỹ về số liệu dự báo nhu cầu vận tải (hành khách, hàng hóa) trên hành lang Bắc - Nam bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.
Về hướng tuyến, vị trí của nhà ga, giải trình rõ việc tiếp thu chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, đặc biệt là các yếu tố kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới, tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn; thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của Dự án, nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế…
Về tốc độ khai thác, thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường với tốc độ thiết kế 350km/giờ trong việc khai thác tàu hàng container.
Về quy mô nhà ga, thuyết minh làm rõ quy mô nhà ga đáp ứng các nhu cầu hoạt động phụ trợ như bãi đỗ xe, kết nối với các phương tiện giao thông khác…, diện tích tối thiểu theo thông lệ quốc tế. “Các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới…”, Hội đồng Thẩm định Nhà nước lưu ý.
Về phương án đầu tư và hiệu quả Dự án, Hội đồng đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục Dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng cho Dự án, thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.
Cùng với đó, rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của Dự án cho phù hợp, đặc biệt là số liệu tính toán hiệu quả tài chính. Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho Dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.
Về cơ chế, chính sách đặc biệt, rà soát tổng thể các nhóm cơ chế, chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu Dự án; rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với Dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện. Làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiếm vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp. Nghiên cứu, xem xét các đề xuất của thành viên Hội đồng, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.