Mới đây, ông Nguyễn Phú Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tỉnh đã khẳng định 2 địa phương Long Thành và Nhơn Trạch là cực tăng trưởng mới của Đồng Nai. Đồng thời các vùng phụ cận với khu vực này gồm các huyện lân cận như Cẩm Mỹ, Thống Nhất cũng đã được tỉnh tính toán kết nối và có quy hoạch cụ thể.
Để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển 2 địa phương này, công tác quy hoạch có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, Đồng Nai đang xem xét kỹ các tiềm năng, lợi thế của khu vực này để đưa vào quy hoạch phát triển. Đối với huyện Nhơn Trạch, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch các phân khu theo quy. Còn đối với huyện Long Thành, quy hoạch phát triển vùng Long Thành hiện nay đang được đơn vị tư vấn hoàn thiện để trình phê duyệt.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, dự án Sân bay Long Thành được xem là dự án hạ tầng “hạt nhân” và sẽ tạo ra động lực tăng trưởng lớn trong định hướng đưa Long Thành và Nhơn Trạch trở thành cực tăng trưởng mới cho Đồng Nai. Chính vì vậy, việc quy hoạch hệ thống hạ tầng kết nối cho sân bay Long Thành cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng.
Theo ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, khi có sân bay quốc tế trên địa bàn thì sức lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn. Do đó, Đồng Nai phải nghiên cứu tất cả những lợi thế mà sân bay Long Thành mang lại để đưa vào quy hoạch, tạo nền tảng cho sự phát triển thực tế sau này. Sau đó, sẽ triển khai từng nội dung một để đưa một vùng xung quanh sân bay phát triển đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế. Để làm được điều này, vấn đề kết nối hạ tầng đóng vai trò quyết định.
Cụ thể, đối với các quy hoạch dự án hạ tầng của Trung ương trên địa bàn, tỉnh đang tập trung để làm tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đồng thời, tỉnh cũng tính toán nguồn vốn đầu tư để sớm triển khai thực hiện.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đối với các dự án thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư, tỉnh đã đưa vào kế hoạch trung hạn 5 năm, cho lập các hồ sơ chủ trương đầu tư cũng như bố trí, tính toán vốn để các kết nối thuộc trách nhiệm địa phương đầu tư được đồng bộ với hệ thống giao thông chung. Trong đó, phát triển hạ tầng cho dịch vụ logistics, dịch vụ tài chính, phát triển đô thị và nông nghiệp công nghệ cao được xem là những mũi nhọn phục vụ cho mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng của Long Thành và Nhơn Trạch trong thời gian tới.