Đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đóng góp ý kiến trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

(CL&CS)- Đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống.

Sáng nay 17/9, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam(Liên hiệp Hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo "Một số ý kiến của trí thức khoa học và công nghệ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV".

Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương…cùng các nhà khoa học, các lãnh đạo của các Hội ngành toàn quốc, Liên hiệp Hội địa phương và các trí thức đến từ Liên hiệp Hội Việt Nam.

Ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XV; Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và Ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký, Liên hiệp Hội Việt Nam chủ trì hội nghị

Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam cho biết, việc lấy ý kiến, phản ánh, kiến nghị của nhân dân trước mỗi kỳ họp của Quốc hội là một nhiệm vụ quan trọng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà trong đó Liên hiệp Hội Việt Nam là thành viên, đại diện cho đội ngũ trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN), với số lượng lên đến 2,2 triệu trí thức, chiếm tới 32,5% đội ngũ trí thức cả nước.

Đây là một trong những kênh quan trọng để đội ngũ trí thức KH&CN phát huy vai trò, trách nhiệm tham gia đóng góp thêm cơ sở, luận cứ, góp phần hoàn thiện thể chế, giám sát, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.

Theo ông Phan Xuân Dũng, từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV tới nay đã diễn ra nhiều sự kiện chính trị - xã hội mà cử tri toàn quốc cũng như trí thức KH&CN quan tâm.

Trong đó có việc một số chính sách mới ban hành về tài chính, tiền tệ đã phần nào tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp. 

An sinh xã hội, lao động, việc làm được cải thiện khi có sự điều chỉnh tiền lương mới. Công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục được đẩy mạnh.

Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam

Các vấn đề về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, an toàn thực phẩm, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu từng bước được cải thiện...

Gần đây nhất là vấn đề khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 gây thiệt hại nặng nề cho một số tỉnh miền Bắc nước ta được cả nước quan tâm chia sẻ.

Tại Hội thảo, TS.Phạm Văn Tân, Nguyên Phó Chủ tịch liên Hiệp Việt Nam cho biết: Hiện nay, tất cả các sáng kiến luật, dự thảo luật hầu hết đều do các cơ quan của Chính phủ thực hiện và Quốc hội trên cơ sở dự thảo luật do Chính phủ trình sẽ thảo luận, nếu thấy cần thiết sẽ yêu cầu cơ quan trình dự thảo bổ sung, điều chỉnh. Khi được đa số các đại biểu Quốc hội tán thành biểu quyết thông qua thì văn bản luật đó được ban hành và thực thi.

Theo TS Phạm Văn Tân, bên cạnh việc cơ quan hành pháp được giao việc xây dựng văn bản luật, Quốc hội cần xem xét việc giao cho cơ quan, tổ chức nào thực hiện việc xây dựng các văn bản luật để trình Quốc hội như: tổ chức ngoài Nhà nước, các tổ chức xã hội, người dân cũng được ủng hộ trong sáng kiến xây dựng pháp luật như thông lệ quốc tế.

TS.Phạm Văn Tân, Nguyên Phó Chủ tịch liên Hiệp Việt Nam

Từ vấn đề trên, TS Phạm Văn Tân cho rằng, có thể các nhiệm kỳ sau Quốc hội nên xem xét việc tăng cao thêm tỷ lệ các đại biểu Quốc hội chuyên trách để Quốc hội có thể chủ động đảm nhiệm việc xây dựng các văn bản pháp luật thay vì Quốc hội chỉ thảo luận, cho ý kiến và thông qua như hiện nay.

Cho ý kiến về việc phát triển đội ngũ trí thức Việt Nam, trong đó có trí thức KH&CN, ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam cho rằng, chủ trương của Đảng ta về vấn đề này thì rất đúng và rất trúng, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng.

Nhờ đó, đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay đã đông về số lượng và tăng về chất lượng, trong đó có nhiều nhà khoa học có uy tín, chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực cả những lĩnh vực mới.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Giới, vẫn còn thiếu vắng các nhà khoa học hàng đầu, để dẫn dắt, để quy tụ các nhà khoa học lớn ở trong và ngoài nước cùng tham gia góp ý, tham mưu cho Đảng và Chính phủ trong những quyết sách lớn và quan trọng.

Ông Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam

Trong đó, ông Giới đề xuất Quốc hội cho phép xây dựng và ban hành Luật về Hội để góp phần đẩy mạnh việc quản lý và tổ chức hội ở nước ta, thúc đẩy việc đoàn kết, tập hợp lực lượng đội ngũ trí thức Việt Nam tham gia, hiến kế cho Đảng và Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng, nhiều quyết sách lớn mang tầm chiến lược.

Cho ý kiến về việc phát triển văn hóa ở Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Giới cho rằng, nhiều năm qua, việc đầu tư cho văn hóa ở nước ta ở mức thấp.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam đề nghị các đại biểu Quốc hội lưu ý về việc sắp tới cần tăng mức đầu tư ngân sách cho phát triển văn hóa, trong đó có thư viện. Bởi đây sẽ là cú hích cần thiết, là sự "chấn hưng văn hóa" cần thiết trong giai đoạn mới.

Đóng góp ý kiến về xây dựng nền hành chính phục vụ phát triển kinh tế - xã hội kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, ông Hồ Đình Lưỡng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội  Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ nêu quan điểm: Cần tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nền hành chính phục vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chú trọng hỗ trợ, kiến tạo, đồng hành với Nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong mọi hoạt động. 

Ông Hồ Đình Lưỡng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Phú Thọ

Các Bộ, ngành, địa phương cần chủ động, sáng tạo, trách nhiệm hơn trong việc kiến tạo các cơ chế đột phá, đặc thù, hướng đi mới, cách làm đột phá trong thẩm quyền hoặc kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ để tạo thêm cơ chế, động lực mới góp phần khơi thông các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm, kết quả từ thực tiễn và tiếp cận kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới, trong khu vực và có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam. Bên cạnh đó là chỉ đạo tập trung đổi mới, sáng tạo ngay trong bộ máy quản lý Nhà nước các cấp để có nhiều hướng tiếp cận, cách làm hay, chuyên nghiệp, hiệu quả trong công tác đón tiếp, hướng dẫn, xúc tiến đầu tư và các thủ tục hành chính liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của Nhân dân, góp phần tạo môi trường thuận lợi, hài hòa, thúc đẩy đầu tư, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong toàn xã hội.

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức cũng đề xuất ý kiến về một số vấn đề cụ thể như về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; các chính sách thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng; việc nâng cao chất lượng các dự án luật, chính sách; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; công tác lựa chọn cán bộ; vấn đề cải cách tiền lương; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đối khí hậu…

Phát biểu kết luận Hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam Phan Xuân Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp, đề xuất của các trí thức khoa học và công nghệ tại Hội thảo. Đây sẽ là cơ sở để Quốc hội yêu cầu các cơ quan Nhà nước nghiên cứu, giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri và báo cáo với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả giải quyết. Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến, đề xuất đóng góp để Tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, trình cấp có thẩm quyền xem xét và gửi đến Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

TIN LIÊN QUAN