Nhịp thở của làng cổ bên sông
Nằm nép mình bên dòng sông Thu Bồn êm ả, tựa mình vào dãy Trường Sơn là làng cổ Đại Bình, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngôi làng như một ốc đảo yên bình, hiền hòa ẩn mình giữa những rặng cây. Điều độc lạ mà nhiều người bất ngờ là ngôi làng cổ này rặt những cây trái vùng Nam Bộ, từng có một thời, làng đã đổi đời nhờ làm trầm gió, kỳ nam.
Theo lời kể của những kỳ lão trong làng, làng còn có một tên gọi khác là Đại Bường, tuy nhiên sau này được đọc chệch từ Đại Bình. Tuy nhiên, vào thời kỳ chiến tranh, làng lại được gọi với tên cũ - Đại Bình.
Có một điều đặc biệt khiến ai đến Đại Bình cũng phải ngạc nhiên bởi giữa những năm tháng chiến tranh loạn lạc, nhưng ngôi làng nằm bên sông vẫn bình yên, cây cối đâm chồi nảy lộc, ra hoa kết trái mà chẳng hề phải hứng chịu một lần bom rơi đạn nổ. Suốt hơn ba thế kỷ trôi qua từ thuở lập làng, Đại Bình vẫn lặng lẽ, yên ả với cuộc sống tách biệt với những gánh rau, mớ thịt được gói trong lá chuối hay những mẹt cá sông ngày ngày theo chân các bà, các cô từ chợ quê đến cổng nhà.
Không những vậy, Đại Bình còn được biết đến với biệt danh Nam Bộ thu nhỏ giữa lòng miền Trung. Lý do là bởi ngôi làng nhỏ bên sông Thu Bồn được thiên nhiên ưu đãi tạo nên một điều kiện thổ nhưỡng tuyệt vời, thích hợp để trồng nhiều loại cây ăn quả như mít, xoài, ổi, nhãn, cam, quýt, và các loại cây ăn quả đặc thù của Nam Bộ như sầu riêng, măng cụt, vú sữa, chôm chôm…
Làng cổ trở mình trong thời đại mới
Giữa những biến chuyển không ngững của thời đại khiến các nhiều giá trị văn hóa truyền thống ít nhiều bị mai một thì Đại Bình lại chọn một hướng đi khác. Sau mấy mươi năm, làng nhỏ bên sông Thu Bồn chuyển mình trở thành điểm du lịch cộng đồng lý tưởng với những nét văn hóa đặc trưng không đâu có được. Những rặng cây trái trĩu quả nay không còn đem lại giá trị về mặt nông nghiệp mà còn tạo điều kiện để du khách gần xa có thêm điểm tham quan khi tới làng cổ.
Bên cạnh đó, Đại Bình còn nổi tiếng với nhiều nghề truyền thống như nuôi tằm, nghề mộc, trầm hương, nghề làm giá, nấu rượu, làm bánh… Ngôi làng này vẫn còn giữ nét văn hóa truyền thống đặc trưng của cây đa, giếng nước, sân đình - đặc trưng của làng quê truyền thống Việt Nam. Nhận ra thế mạnh “làng trái cây Nam Bộ thu nhỏ” của miền Trung, chính quyền huyện Nông Sơn đã vận động người dân làng cổ Đại Bình phát huy tiềm năng để xây dựng làng du lịch sinh thái cộng đồng.
Toàn thôn Đại Bình có 367 hộ, trong đó có khoảng 50% số hộ có vườn đạt chuẩn diện tích từ 1.000m2 trở lên. Từ “vốn liếng” này, địa phương đã tích cực vận động người dân phát triển du lịch theo hướng du lịch xanh từ vườn nhà, tỉa tót các hàng rào xanh, làm các bảng tên đường, tạo điểm check in ấn tượng để du khách lưu lại những hình ảnh về làng Đại Bình. Từ khi có cầu Nông Sơn, không ai xuống bến gọi “đò ơi” nữa. Cổng làng Đại Bình cũng dời lên phía thượng nguồn. Phía cổng làng mới có dòng chữ “Làng du lịch Đại Bình”.
Làng Đại Bình vẫn còn chứa đựng những trầm tích văn hóa được thể hiện qua những công trình kiến trúc nhà cổ từ trăm năm để lại. Trong làng còn khoảng 3, 4 ngôi nhà cổ với vật liệu xây dựng chính là gỗ và được xây theo lối kiến trúc nhà vườn bình dị nằm giữa những vườn cây trái sum suê, bên những con đường làng được cắt tỉa đẹp mắt, xanh tươi suốt bốn mùa.
Cùng với đó, những nếp sống sinh hoạt thân thuộc, đậm tính truyền thống của người Việt ở làng Đại Bình như nét văn hóa lịch sự, văn minh, trẻ con luôn lễ phép, chào hỏi người lớn, nhiều người già trong làng sống thọ trên 90 tuổi… Đặc biệt, giữa làng có một khu rừng nguyên sinh thâm nghiêm mang tên rừng Cầm tồn tại hàng trăm năm nay. Khu rừng này được người dân làng Đại Bình đặc biệt gìn giữ và xem như báu vật của làng.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, làng Đại Bình đã được tỉnh Quảng Nam chọn là một trong hai làng tham gia thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025. Để khai thác điểm đến này, thời gian qua, huyện đã huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các chương trình dự án phục vụ phát triển du lịch theo hướng du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.
Để tiếp sức cho Làng du lịch sinh thái Đại Bình, ngoài nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng phát triển cơ sở hạ tầng, huyện Nông Sơn chú trọng nguồn nhân lực du lịch nông thôn chất lượng cao. Huyện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ quản lý, người lao động và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch. Người dân trực tiếp hưởng lợi từ hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng Làng du lịch sinh thái Đại Bình trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách.