Doanh nghiệp thủy sản đề nghị cần linh hoạt trong phương án sản xuất

(CL&CS) - Việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ” (3T) hay “1 cung đường 2 điểm đến” (2T) đã bộc lộ bất cập và càng khó khăn với các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản với những đặc thù riêng, đòi hỏi cần có phương án linh hoạt trong tổ chức sản xuất…

Nhiều khó khăn…

Tại Hội nghị trực tuyến bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi chế biến, xuất khẩu nông sản, thủy sản sau giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg khu vực Nam bộ tổ chức ngày hôm qua, 17/9, một loạt khó khăn vướng mắc của DN ngành chế biến xuất  thủy sản được nêu lên.

Ngoài các khó khăn chung của DN hiện nay như sản xuất giảm, trong khi hiệu quả sản xuất-kinh doanh giảm, mất đơn hàng, đền bù hợp đồng; nguy cơ mất khách hàng dài hạn; Chi phí vật tư tăng cao do lưu thông khó khăn, thiếu nguồn hàng; Chi phí đảm bảo 3T rất cao (tăng 200- 300%)… thì các DN thủy sản còn chịu chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh trữ hàng; Cước tàu biển tăng nhiều lần; Giá thành trên đơn vị sản phẩm tăng, kinh doanh lỗ...

Đặc biệt, do đặc thù của chế biến thủy sản là chế biết “ướt”, không có sẵn điều kiện bố trí lưu trú, ăn ở tại chỗ cho công nhân nên khó khăn trong thực hiện 3T; Nếu thực hiện 2T thì đòi hỏi phương tiện vận chuyển hàng nghìn công nhân hàng ngày...

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) sau 15/9/2021, nhiều tỉnh đã có khả năng tiến tới kiểm soát dịch, đã có nhiều tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết  105/NQ-CP ngày 9/9/2021 về hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 là cơ hội để các ngành hàng, DN kịp thời nắm bắt, đề ra các giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông sản, thủy sản trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới.

Tuy nhiên chế biến thuỷ sản tiếp tục gặp khó khăn do tình hình dịch bệnh chưa thể kết thúc, nhiều DN không thể đáp ứng điều kiện và chi phí cho mô hình sản xuất 3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến trong dài hạn. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội VASEP, chỉ có 30 - 40% các DN có đủ năng lực để phục hồi sản xuất ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, số DN còn lại rất khó hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất cần sự hỗ trợ.

Sản xuất chế biến thủy sản tại Công ty Vĩnh Hoàn

Cùng với đó, lực lượng lao động tiếp tục khó khăn do số lượng công nhân chưa được tiêm vaccin còn cao, do các hậu quả của dịch bệnh, việc tập hợp lại lực lượng gặp khó khăn lớn. Việc phục hồi sản xuất của DN đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu, mất khách hàng do không đảm bảo tiến độ giao hàng; khó tập hợp lại lực lượng lao động…

Doanh nghiệp muốn được linh hoạt

Sản xuất, chế biến trong nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng rất đa dạng về qui mô, loại hình, phương thức , do vậy tại Hội nghị nhiều DN cho rằng  không thể có công thức chung, đáp án chung cho tất cả mà cần dựa trên những nguyên tắc chính thức, thống nhất, rõ ràng về phòng dịch, di chuyển của lao động để xây dựng phương án cụ thể cho từng DN, từng khu công nghiệp có sự thẩm định của địa phương.

DN đề xuất phương án tổ chức sản xuất, chế biến của DN cần xây dựng linh hoạt trên cơ sở các nguyên tắc chung về phòng dịch, di chuyển của lao động; Cơ sở vật chất và kết cấu dây chuyền sản xuất; Điều kiện cơ sở vật chất để tách dây chuyền, tách vùng đệm, cách ly các khu vực; Đặc thù hoạt động chế biến (chế biến ướt, chế biến khô,…); Không gian kín, hở, có sử dụng máy lạnh; Số lượng công nhân, tính đa dạng loại hình công nhân, tính đa dạng địa bàn sinh sống của người lao động; Phương thức sản xuất trên dây chuyền, mật độ công nhân, ảnh hưởng đến mức độ tiếp xúc công nhân trong mô hình sản xuất và khả năng lây nhiễm; Điều kiện kinh tế, khả năng chịu đựng chi phí..

Để xây dựng phương án sản xuất, chế biến phù hợp. DN đề xuất tiếp tục phân vùng để kiểm soát theo 3 cấp độ vùng xanh – vùng cam – vùng đỏ; Cho phép các DN linh hoạt lựa chọn mô hình 3T, “3 xanh”, “1 cung đường nhiều điểm đến” hoặc kết hợp, xây dựng phương án áp dụng phù hợp khả năng và điều kiện. Khuyến khích DN đã duy trì tốt mô hình hiện tại mở rộng qui mô sản xuất trên cơ sở có vùng đệm giữa nhân sự mới và nhân sự hiện đang thực hiện 3T; Cho phép các DN tự xét nghiệm với điều kiện phải mua test kit trong danh mục của Bộ Y tế…

Ngoài ra, DN đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn rõ, thống nhất điều kiện nào thì người lao động được đi làm, di chuyển trong vùng, liên vùng, tương ứng mức độ tiêm 1 mũi, tiêm đủ 2 mũi, đã khỏi bệnh, cư trú tại vùng xanh để quản lý tương ứng (thẻ xanh, thẻ vàng). Hướng dẫn rõ phương pháp xử lý khi có ca nhiễm, để DN xử lý đúng và tái sản xuất lại nhanh chóng…

Doanh nghiệp kiến nghị phương ản “3 vùng”

Theo kiến nghị ủa DN, cần tập trung “1 đầu mối, 1 ứng dụng” để áp dụng công nghệ một cách tối đa trong quản lý con người gắn với dữ  liệu dân cư, tiêm chủng, đi lại, di chuyển. Trên cơ sở đó tạo điều kiện quản lý lao động, tuyển dụng lao động, quản lý đi lại, di chuyển an toàn phòng dịch cho sản xuất.

 Ở vùng xanh: Các tỉnh lập các khu công nghiệp, khu chế xuất an toàn, DN xanh: Tiếp tục tiêm vắc xin (mũi 1) cho toàn bộ công nhân; nhanh chóng ưu tiên tiêm mũi 2; Nới lỏng các quy định chống dịch cho các Khu công nghiệp có điều kiện quản lý tốt, cách biệt khu dân cư. Đối với công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh cho phép tự di chuyển có kiểm soát.

 Ở vùng đỏ: cho phép mở rộng công suất thực hiện mô hình 3T trên cơ sở có vùng đệm chuyển tiếp cho công nhân mới (mô hình Công ty Vĩnh Hoàn). Kết hợp mô hình 2T tổ chức lực lượng bảo vệ và giám sát tại tất cả các điểm; tổ chức xe đón tại các điểm.

Ở vùng cam: Điều chỉnh chính sách 2T thành “1 cung đường – các điểm đến”: công nhân đươc lưu trú ở các điểm tập trung khác nhau, doanh nghiệp tổ chức bảo vệ và giám sát; tổ chức xe đón tại các điểm. Công nhân đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc đã khỏi bệnh được tự di chuyển có kiểm soát.

Theo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, nếu như cuối tháng 6 và nửa đầu tháng 7 có 449 cơ sở còn hoạt động, đến cuối tháng 7/2021 có 120/449 cơ sở ngừng sản xuất (27,6%) thì đến đầu tháng 9/2021 đã có 176/449 cơ sở ngừng sản xuất (39,2%) do không đáp ứng được gánh nặng chi phí và điều kiện 3T. Do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30- 40% so với đầu tháng 7/2021 trước khi giãn cách toàn vùng. Các tỉnh có số DN ngừng SX nhiều nhất: Cần Thơ, Tiền Giang. Hiện tại, có tổng số 31 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản có ca nhiễm Covid-19. Xuất khẩu thủy sản đã giảm mạnh vào nửa cuối tháng 7 và trong tháng 8 giảm 36% so với cùng kỳ.

Về phương thức phòng chống dịch của các cơ sở đang hoạt động: 3T có 160/273 cơ sở (chiếm 58.6%); 2T có 42/273 cơ sở (chiếm 15.4%), vùng xanh 5/273 cơ sở (chiếm 1.8%), 3T kết hợp với 2T hoặc kiểm soát khác 66/273 cơ sở (chiếm 24.2%).Với những nhà máy đang sản xuất cầm chừng thì số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ 20-30%..

(Bài/loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

         

TIN LIÊN QUAN