Dinh Thượng thơ gần 160 tuổi được cải tạo thành nhà truyền thống

(NTD) - Thường trực UBND TP.HCM vừa có kết luận về phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND – UBND TP và giải pháp bảo tồn công trình tại Dinh Thượng thơ cũ (59 - 61 Lý Tự Trọng, hiện đang là trụ sở Sở Thông tin - Truyền thông).

Theo đó, Thường trực UBND TP.HCM thống nhất chọn phương án thiết kế của đơn vị tư vấn Gensler, theo hướng phủ khối kiến trúc mới lên trên và bảo tồn công trình hiện hữu Dinh Thượng thơ.

UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc làm việc với đơn vị tư vấn Gensler để nghiên cứu, điều chỉnh thiết kế cho phù hợp với chủ trương nêu trên; tham mưu phương án kinh phí thuê đơn vị tư vấn, báo cáo UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo.

Trước đó, ngày 16/4/2018 Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổ chức triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Theo phương án thiết kế mới, toàn bộ trụ sở HĐND - UBND TP.HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn được giữ nguyên. Các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông... (mặt tiền là đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với tòa nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.

Tòa nhà Dinh Thượng thơ trên đường Lý Tự Trọng, quận 1. Ảnh Báo Người Đô Thị

Việc phá bỏ, xây mới các công trình này, đặc biệt là phá bỏ trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương phía sau UBND TP.HCM - tòa nhà Dinh Thượng thơ được người Pháp xây dựng gần 130 năm trước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới chuyên gia hữu quan.

Sự quan tâm dành cho công trình kiến trúc đặc biệt này càng được chú ý hơn khi tại buổi họp báo của UBND TP.HCM sáng 2/5, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong phương án nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, vì Dinh Thượng thơ - tòa nhà gần 160 năm tuổi - không nằm trong danh mục di tích của ngành văn hóa thể thao, nên thành phố quyết định không bảo tồn tòa nhà này.

Tòa nhà Dinh Thượng thơ là một trong những công trình kiến trúc lâu đời ở Sài Gòn. Công trình do người Pháp xây dựng từ những năm đầu của thời kỳ thuộc địa, hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ để điều hành trực tiếp toàn bộ các vấn đề dân sự, tư pháp và tài chính của thuộc địa. Người dân đương thời gọi đây là Dinh Thượng thơ.

Về mặt chính quyền lúc bấy giờ, tòa nhà có vai trò quan trọng chỉ sau Dinh Norodom (phiên bản trước của Dinh Thống Nhất ngày nay).

 Minh Việt (T/H)

Nên đọc