Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững” đã chính thức khai mạc với sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Vẫn đạt tăng trưởng dương
Trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, năm 2021, với nhiều giải pháp đồng bộ để thực hiện nhiệm vụ kép, phòng chống dịch Covid – 19 và phục hồi kinh tế nên 6 tháng đầu năm, Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 5,96%. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát lần thứ tư với chủng mới Delta đã gây thiệt hại nặng nề cho cả kinh tế và các lĩnh vực xã hội.
Dự kiến cả năm vẫn đạt tăng trưởng dương nhưng chắc chắn không đạt được mục tiêu mà Đảng và Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu của năm 2021 mà còn cho cả nhiệm kỳ 5 năm tới.
Trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh hỗ trợ cho kinh tế và xã hội, Việt Nam cũng đã sử dụng khá đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Tổng quy mô các gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ của Việt Nam theo tính toán của các chuyên gia, trong 2 năm 2020 và 2021 ước khoảng 4%, thấp hơn một chút so với mức bình quân của các nước trên thế giới.
Đối với các nước đang có thu nhập thấp hoặc trung bình thấp, cỡ khoảng 4,3%, Việt Nam là khoảng 4% GDP của năm 2020, trong đó gói về tài khóa là khoảng 2,9 %, gói về tiền tệ là khoảng 1,1 %.
Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết quyết định các khung khổ về chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, vay và trả nợ công, đầu tư công và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế của giai đoạn 2021-2025.
Đây cũng là nhiệm kỳ mà tất cả các khung khổ quyết định cho phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, thậm chí là với tầm nhìn dài hạn hơn đã được Trung ương có chủ trương và Quốc hội đã ban hành toàn bộ các nghị quyết về khung khổ này.
Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng chương trình tổng thể về phòng, chống dịch bệnh Covid- 19 theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, đồng thời xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế.
Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ cho 2 chương trình này phục vụ cho mục tiêu chống dịch Covid-19 trong thời gian tới, cũng như phục hồi và phát triển kinh tế để trình Quốc hội xem xét và quyết định và phải quyết định sớm.
Dự kiến trong cuối tháng 12 này, nếu chuẩn bị được hoàn tất đầy đủ thì tại Phiên họp thường niên tháng 12 tới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định và đề nghị với Quốc hội cho tổ chức một kỳ họp bất thường vào cuối năm nay để xem xét chương trình rất quan trọng này cùng với một số vấn đề rất cấp bách liên quan đến quốc kế dân sinh khác.
Diễn đàn này là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan tổ chức hữu quan lắng nghe hiến kế các giải pháp xây dựng gói hỗ trợ, với quy mô và liều lượng phù hợp, mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng nhiệm vụ trước mắt, vừa đáp ứng yêu cầu dài hạn về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh.
Diễn đàn 2 chữ P và 2 chữ C
Chủ tịch nói: “Chủ đề của chúng ta là hai chữ P – tức là phục hồi và phát triển bền vững. Phát triển không phải là mọi giá, mà phải phát triển bền vững. Chúng ta vừa phải chú ý đến những giải pháp cấp bách trước mắt để duy trì các động lực tăng trưởng tác động đến tăng trưởng để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế”.
Nhưng những giải pháp ngắn hạn và trung hạn thì phải luôn bám vào mục tiêu dài hạn trong việc cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm nền kinh tế phát triển nhanh nhưng bền vững, không chỉ có vấn đề về kinh tế, mà cả vấn đề về xã hội, về môi trường và bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Do đó, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ rất nặng nề trong việc nghiên cứu và thiết kế các chính sách này để đạt được các mục tiêu đặt ra.
Diễn đàn cũng trao đổi và giải đáp câu hỏi sẽ huy động nguồn lực từ đâu, nhất là trong điều kiện thị trường vốn trung và dài hạn của Việt Nam còn đang hạn chế; sẽ phân bổ các nguồn lực vào các nội dung mục tiêu cụ thể nào trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế và hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam; giải đáp được câu hỏi là năng lực hấp thụ với nền kinh tế, nhất là trong điều kiện còn những điểm nghẽn, những vướng mắc... Ví dụ như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, giải ngân đầu tư công…
“Làm sao giải quyết được những điểm nghẽn để tăng cường năng lực hấp thụ vốn; đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, phòng, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm khi đề ra và tổ chức thực hiện các nhóm chính sách và các giải pháp này”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, những giải pháp chính sách tài chính, tiền tệ và đề xuất trong diễn đàn này là ngoài khung khổ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa mà Quốc hội đã quyết định, cho phép tìm kiếm một không gian, một dư địa ngoài khung khổ Quốc hội đã quyết định. Có nghĩa đây là những khung khổ tài chính và tiền tệ bổ sung.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh ngoài hai chữ P ra thì Diễn đàn này thể hiện mối quan hệ rất mật thiết giữa hai chữ C – Chính sách và Cuộc sống.
“Nếu các chính sách, nhất là chính sách vĩ mô mà không xuất phát từ hơi thở cuộc sống, thực tiễn cuộc sống thì bản thân chính sách đó sẽ bị sai lệch đi. Nếu thực tiễn cuộc sống không được phản ánh vào chính sách, pháp luật thì bản thân chính sách khi ban hành cũng không đi vào cuộc sống trôi chảy và hiệu quả được”, Chủ tịch nhấn mạnh.