Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021:Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công Thương, Ủy ban Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn “Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2021”.

Tham dự diễn đàn có Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng; đại diện GWEC, Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ Việt Nam (USAID), Hội đồng Năng lượng Thế giới tại Việt Nam (VWEC); đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng cùng các đại biểu là chuyên gia, nhà đầu tư quan tâm đễn lĩnh vực công nghiệp năng lượng.

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Năng lượng là ngành kinh tế kỹ thuật giữ vai trò trọng yếu và có tính tiên phong, là nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển năng lượng là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược quan trọng để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại diễn đàn

Mặc dù vậy, với nhu cầu tiêu thụ năng lượng ngày một gia tăng, tốc độ trung bình hàng năm tăng tới 10,5%, những năm gần đây nước ta đã phải nhập khẩu 1-2% tổng công suất của toàn hệ thống điện. Dự báo trong tương lai, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn năng lượng. 

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, việc phát triển các nguồn năng lượng khác bên cạnh các nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng trở nên quan trọng trong cơ cấu nguồn năng lượng Việt Nam, đặc biệt là các nguồn năng lượng tái tạo sẽ góp phần giải quyết được bài toán thiếu hụt năng lượng, giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng, phân tán rủi ro, tăng cường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần quan trọng giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại diễn đàn, đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã thảo luận, trao đổi về chính sách và chương trình hỗ trợ của Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghệ xanh hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam. Đồng thời trao đổi, chia sẻ về cơ chế chính sách, các chương trình khoa học về năng lượng, các công nghệ mới, cũng như xu hướng công nghệ mới đến từ đại diện các nước trên thế giới và những khuyến nghị về nghiên cứu, chuyển giao và làm chủ công nghệ khi Việt Nam tiếp nhận công nghệ cho chuyển dịch năng lượng toàn cầu như: Chuyển dịch năng lượng và xu hướng phát triển công nghệ năng lượng sạch giai đoạn 2021-2030.

Tại diễn đàn, chia sẻ về vai trò, vị trí của năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Dự thảo quy hoạch điện VIII đã thể hiện xu hướng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, phù hợp cam kết cắt giảm khí CO2 tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26). Một số quan điểm lớn trong Quy hoạch Điện VIII là giảm điện than; khuyến khích phát triển mạnh mẽ năng lượng tái tạo và năng lượng mới. Trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chú ý bảo đảm hiệu quả, hài hòa, cân đối của hệ thống. Trong đó, điện gió ngoài khơi đóng vai trò quan trọng, sẽ được tập trung ưu tiên trong giai đoạn tới. Đây là nguồn năng lượng có tiềm năng nhưng trong thời gian qua chưa được phát triển. 

Phát biểu kết luận diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhấn mạnh, diễn đàn đã giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học và doanh nghiệp nhìn nhận tổng quan về thực trạng các hoạt động liên quan đến ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ trong lĩnh vực năng lượng.

TIN LIÊN QUAN