Cử tri tỉnh Long An vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50; đồng thời, xây dựng hệ thống thoát nước, đoạn từ TP.HCM qua địa phận huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, vì hiện nay lưu lượng xe di chuyển trên quốc lộ khá đông, dẫn đến bị ùn tắc và thường xuyên xảy ra tai nạn.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Long An cũng kiến nghị sớm đầu tư, nâng cấp Quốc lộ N1, đoạn từ huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đi tỉnh Đồng Tháp vì hiện nay lưu lượng xe tham gia giao thông rất đông, nhu cầu trao đổi hàng hóa sản xuất rất lớn dẫn đến gây mất an toàn giao thông.
Phản hồi kiến nghị cử tri về việc đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 50, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quốc lộ 50 từ huyện Bình Chánh, TP.HCM đến giao với Quốc lộ 1 tại thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang; tổng chiều dài tuyến khoảng 87km; quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật là đường cấp III, 2 - 4 làn xe.
Trong đó, đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 22,8km đã hoàn thành đầu tư nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp III, đồng bằng 2 làn xe từ năm 2012.
Trong các năm 2021, 2022 và 2023, Bộ Giao thông vận tải cũng bố trí kinh phí để sửa chữa các hư hỏng trên tuyến từ nguồn vốn sự nghiệp chi hoạt động kinh tế đường bộ, đảm bảo giao thông êm thuận, an toàn trên tuyến với tổng kinh phí khoảng hơn 93 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nêu rõ khó khăn về cân đối nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025, Bộ Giao thông vận tải cho biết do nguồn vốn ngân sách nhà nước phân bổ còn hạn hẹp nên trước mắt sẽ giao Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên kiểm tra, thực hiện bảo trì tuyến đường để đảm bảo điều kiện đi lại, vận tải thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Ghi nhận kiến nghị của cử tri, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với địa phương huy động các nguồn lực hợp pháp để đầu tư dự án thời gian tới.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, một là, dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 62 dài 77km, tổng mức đầu tư khoảng 2.025 tỷ đồng.
Dự án nằm trong danh mục dự kiến sử dụng khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu (DPO) gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tiếp nhận "Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu" do các đối tác phát triển tài trợ.
Dự án được nâng cấp, cải tạo đạt quy mô cấp III đồng bằng, hai làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Thời gian thực hiện khoảng 4 năm sau khi Hiệp định tài trợ có hiệu lực, dự kiến từ năm 2024 - 2027.
Hai là, dự án đường Vành đai 3 - TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh Long An dài 7km, tổng mức đầu tư khoảng 8.343 tỷ đồng.
Dự án Vành đai 3 - TP.HCM là dự án trọng điểm quốc gia, có tổng chiều dài giai đoạn 1 gần 76km đi qua TP.HCM và 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Tổng mức đầu tư dự án hơn 75.000 tỷ đồng với 8 dự án thành phần.
Đoạn tuyến có chiều dài 6,84km, điểm đầu tại ranh TP.HCM - Long An; điểm cuối tại nút giao giữa đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương (huyện Bến Lức). Quy mô giai đoạn 1 gồm 4 làn xe, mặt cắt ngang 19,75m, được thiết kế đường cao tốc vận tốc 100km/h và đường song hành (đường đô thị) vận tốc 60km/h, mỗi bên 2 làn xe.
Tỉnh Long An dự kiến chậm nhất đến tháng 10/2025, cơ bản thông xe kỹ thuật tuyến cao tốc và hoàn thành đưa vào sử dụng toàn dự án trong năm 2026.
Ba là, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa đoạn qua tỉnh Long An dài khoảng 21km, tổng mức đầu tư khoảng 2.178 tỷ đồng.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 73 km, có tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công dự án trong năm 2023, hoàn thành trong năm 2025.
Được khởi công vào năm 2009, đến năm 2011, dự án bị đình hoãn thi công theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (ngày 24/02/2011) của Chính phủ và Chỉ thị số 1792/CT-TTg (ngày 15/10/2011) của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô bảo đảm an sinh xã hội.
Mục tiêu dự án nhằm tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công dở dang, tránh lãng phí nguồn vốn nhà nước đã đầu tư, góp phần nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh với quy mô 2 làn xe, góp phần chia sẻ lưu lượng với các trục dọc vùng Đông Nam Bộ, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.