Tự giới thiệu là nhân viên ngân hàng Sacombank chi nhánh Hà Đông các đối tượng đã đưa ra giá dịch vụ trả trước 5% giá trị khoản vay, tuy nhiên, khi khách hàng đến làm việc trực tiếp thì không có nhân viên nào như giới thiệu, cũng như không có khoản vay nào giải ngân chỉ làm hồ sơ Online...
Trong vai một khách hàng đi vay phóng viên có vào App được nhân viên giới thiệu làm việc tại ngân hàng TP bank chi nhánh Vĩnh Phúc. Sau khi hỏi nhu cầu khoản vay của khách hàng nhân viên giới thiệu tên Khánh Vân có yêu cầu khách hàng cung cấp hồ sơ, gửi tin nhắn 1414 để kiểm tra sim có chính chủ hay không. Tiếp đó đối tượng yêu cầu khách hàng chuyển 285 nghìn đồng vào một tài khoản cá nhân tại ngân hàng MB để tiến hành thẩm định sim. Tuy nhiên, chỉ sau 2 giờ nhận tiền, thay vì nhận được kết quả, đối tượng thông báo hiên nay hệ thống ngân hàng MB đang bị nghẽn phải 1-2 ngày nữa mới tiến hành kiểm tra được. Sau khi phương án một không thành đối tượng lại lái khách hàng sang vay tiền bằng hình thức bảo hiểm nhân thọ...nếu khách háng không có BHNT sau vài giờ chúng sẽ chặn liên lạc.
Đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng Sacombank để lừa đảo người tiêu dùng có nhu cầu vay tiền. Ảnh: Đức Nguyễn.
Cũng dùng chiêu bài dịch bệnh diễn biến phức tạp ngân hàng cho vay online, đối tượng đã làm giả thẻ nhân viên ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh 220 Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội để yêu cầu khách hàng chuyển trước tiền dịch vụ 5% giá trị khoản vay 300 triệu đồng, tương đương số tiền 15 triệu. Tuy nhiên, khi khách hàng hẹn đến chi nhánh nhân viên làm việc tại 220 Quang Trung thì không có ai là nhân viên như giới thiệu ở trên. Khách hàng thử gọi lại, nhắn tin qua zalo đều không có hồi âm.
Khoe cả thành tích để người vay tiền không nghi ngờ khi phải chuyển trước 5% số tiền cần vay. Ảnh: Đức Nguyễn.
Hình thức lừa đảo vay tiền qua online còn tinh vi đến mức các đối tượng còn giả mạo APP của Công ty tài chính Fe để làm hồ sơ cho khách hàng, sau đó dùng 1 nhân viên tiến hành gọi điện thẩm định, nếu đạt sẽ gửi hội đồng quản trị duyệt.
Nhập vai phóng viên, đề nghị vay 400 triệu đồng không cần tài sản, các đối tượng làm đầy đủ các bước như các tổ chức tín dụng (từ tư vấn gói vay, hướng dẫn nộp hồ sơ, thẩm định, duyệt, giải ngân). Tuy nhiên, thay vì giải ngân sẽ được chuyển thẳng về tài khoản ngân hàng khách hàng đã đăng ký, các đối tượng lại chuyển tiền về ví trên App lập ra và yêu cầu khách hàng nhập lệnh mới chuyển được về tài khoản. Khi PV làm theo hướng thì App báo lỗi, đề nghị liên hệ nhân viên chăm sóc khách hàng để được tư vấn.
Còn một dạng lừa đảo khác cho vay tín chấp qua sim Viettel khách hàng có thể vay đến 80 triệu đồng, thu phí trước gần 300 nghìn đồng. Ảnh: Đức Nguyễn.
Tuy nhiên, khi PV gọi điện đến thì được nhân viên CSKH báo tài khoản thiếu một số 0, nên phải đợi phía phòng tài chính của Fe đưa ra hướng giải quyết.
Sau 3h đợi nhân viên CSKH có gửi cho PV một văn bản yêu cầu chuyển 20 triệu đồng tiền đảm bảo qua một số tài khoản ngân hàng có đóng dấu giả mạo ngân hàng BIDV.
"Khi nào anh chuyển 20 triệu vào tài khoản cá nhân lập tại ngân hàng BIDV, bên em là đối tác được cấp con dấu, sau 5-10 phút anh sẽ nhận được khoản vay 400 triệu, cùng với số tiền đảm bảo 20 triệu. Đây là quy định bên em để tránh trường hợp các đối tượng giả mạo trên mạng đi vay tiền" - nhân viên CSKH giả mạo Fe hướng dẫn.
Các đối tượng lừa đảo còn mạo danh công ty tài chính, tổ chức tín dụng ra văn bản lừa người vay. Ảnh: Đức Nguyễn.
Nghi ngờ có dấu hiệu giả mạo Công ty tài chính lừa đảo khách hàng, phóng viên gọi điện đến tổng đài Công ty tài chính Fe được biết: " Công ty tài chính Fe không có cho khách hàng vay tín chấp 400 triệu đồng, mà hạn mức tối đa là 70 triệu đồng. Ngoài ra, khi khách hàng làm thủ tục vay phía Fe không thu một đồng phí, nếu nhầm lẫn thông tin của Công ty sẽ phối hợp với khách hàng chỉnh sửa, chứ không có chuyện chuyển một khoản tiền đảm bảo như yêu cầu trên".
Vậy là đã rõ, tất cả những hình thức cho vay tín chấp online hỗ trợ mùa dịch phóng viên Chất lượng và cuộc sống đã tìm hiểu và đề cập ở trên chỉ cái bẫy lừa dối người có nhu cầu vay tiêu dùng, để đảm bảo quyền lợi của mình, người tiêu dùng cẩn trọng trước các thông tin cho vay tín chấp tràn lan trên mạng xã hội.