Theo đó, quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021 - 2030, lộ trình đến năm 2030, Hải Phòng sẽ tăng thêm 2 quận là Kiến Thụy và An Dương, cả thành phố sẽ có 9 quận. Sau năm 2030, huyện Cát Hải cũng sẽ lên quận, trở thành quận đảo đầu tiên của cả nước.
Nằm ở phía Đông Nam thành phố Hải Phòng, huyện Cát Hải sở hữu diện tích tự nhiên rộng lớn lên đến gần 345km2 (chưa bao gồm khu vực quần đảo Long Châu) và là nơi sinh sống của hơn 32.000 người. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho hệ thống 388 đảo lớn nhỏ, trong đó nổi bật là hai đảo chính: Cát Hải với diện tích xấp xỉ 40km2 và Cát Bà rộng khoảng 144km2 (không tính diện tích mặt nước biển).
Không chỉ là địa bàn có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, huyện đảo Cát Bà còn sở hữu tiềm năng du lịch vô cùng to lớn. Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới và là Di tích Quốc gia đặc biệt. Vùng biển Cát Bà được bảo vệ nghiêm ngặt, là nơi lưu giữ nhiều giá trị sinh học quý hiếm. Nổi bật nhất chính là Vịnh Lan Hạ - một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới.
Nổi bật với tiềm năng du lịch to lớn, huyện Cát Hải đã xác định du lịch - dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ lợi thế này, Cát Hải đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn đổ vốn vào các dự án trọng điểm, góp phần thay đổi diện mạo mạnh mẽ cho huyện đảo trong những năm qua.
Điển hình vào năm 2017, dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đánh dấu bước tiến mới trong hạ tầng giao thông tại Cát Hải. Với tổng mức đầu tư gần 12.000 tỷ đồng và chiều dài hơn 15,5km, dự án bao gồm hạng mục cầu Đình Vũ - Cát Hải, tự hào là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam với nhịp cầu chính dài 5,4km.
Thời điểm đó, cùng với dự án đường Tân Vũ - Lạch Huyện được thông xe là lễ khởi công nhà máy ô tô VinFast. Đây là nhà máy có tổng mức đầu tư 3,5 tỷ USD, rộng thứ 3 thế giới (3,3km2). Và chỉ sau 21 tháng thi công thần tốc, nhà máy ô tô VinFast đã khánh thành và đi vào sản xuất.
Bên cạnh đó, Cát Hải cũng là địa phương có cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc - cảng Lạch Huyện. Với tổng vốn đầu tư lên đến 30.700 tỷ đồng, cảng Lạch Huyện có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lên đến 14.000 TEU (1 TEU tương đương 1 container tiêu chuẩn nặng khoảng hơn 26 tấn).
Đi cùng phát triển công nghiệp, các công trình để phát triển ngành du lịch ở huyện Cát Hải được đẩy mạnh không kém. Nhằm rút ngắn thời gian di chuyển ra đảo Cát Bà, tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long dài gần 4km giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển ra đảo. Đặc biệt, tuyến cáp treo còn sở hữu trụ cáp cao tới 214,8m, được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là “Trụ cáp treo cao nhất thế giới”, góp phần khẳng định vị thế của du lịch Cát Hải trên bản đồ du lịch quốc tế.
Không những vậy, nhằm đồng bộ hạ tầng để phát triển du lịch, địa phương cũng tiến hành nâng cấp và mở rộng tuyến đường 356 xuyên đảo Cát Bà với chiều dài 20km và tổng vốn đầu tư 1.800 tỷ đồng đã hoàn thành, mang lại lợi ích to lớn cho du lịch địa phương.Nhờ tuyến đường mới, du khách không chỉ tiết kiệm thời gian di chuyển từ bến phà Cái Viềng đến thị trấn Cát Bà, mà còn thuận tiện hơn khi di chuyển đến các bãi tắm và khu vực khác trên đảo.
Hệ thống công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ đã góp phần tạo đòn bẩy mạnh mẽ cho sự phát triển du lịch huyện Cát Hải. Năm 2023, Cát Bà đón tiếp hơn 3 triệu lượt khách du lịch, gấp gần 100 lần so với dân số địa phương. Doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 2.770 tỷ đồng, một con số vô cùng ấn tượng. Tiếp nối đà tăng trưởng, năm 2024, Cát Hải đặt mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách và đạt doanh thu 3.300 tỷ đồng từ dịch vụ lưu trú và ăn uống.