Đèo Cả (HHV) sẽ đầu tư thêm 600 tỷ đồng vào cao tốc hơn 14.000 tỷ đi qua tỉnh nghèo top đầu Việt Nam

Dự án cao tốc này có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, với chiều dài khoảng 93km, trong đó 41km thuộc tỉnh Cao Bằng.

Theo nghị quyết ban hành ngày 24/09, Hội đồng Quản trị CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (HHV, mã chứng khoán: HHV) đã thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng hợp tác với CTCP Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh để cùng triển khai dự án xây dựng tuyến cao tốc này.

Theo đó, HHV cam kết sẽ đóng góp tối đa 600 tỷ đồng từ thời điểm ký kết hợp đồng đến hết ngày 31/12/2026, hoặc đến khi giải ngân hết số tiền, tùy theo mốc thời gian nào đến trước. Trong khi đó, Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ đóng góp bằng vốn chủ sở hữu theo quy định trong hợp đồng BOT, dựa trên tiến độ giải ngân được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Nếu thời hạn đóng góp đã kết thúc mà cả hai bên vẫn chưa giải ngân đủ, họ sẽ tiến hành đàm phán để gia hạn thời gian và tiến độ thực hiện nghĩa vụ, hoặc điều chỉnh giá trị và phạm vi đóng góp để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và hợp đồng.

Đèo Cả (HHV) sẽ đầu tư thêm 600 tỷ đồng vào cao tốc hơn 14.000 tỷ đồng đi qua Cao Bằng

Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh với vai trò chủ đầu tư sẽ đảm nhận trách nhiệm quản lý, điều hành và triển khai dự án, sử dụng kinh nghiệm, nhân lực và các nguồn vốn tự có, vốn vay, vốn huy động hợp tác kinh doanh và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Đồng thời, công ty sẽ chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai dự án.

Về hợp tác, HHV và Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ cùng chia sẻ lợi ích, lợi nhuận và sản phẩm thu được từ dự án, đảm bảo hài hòa lợi ích và phân chia rủi ro theo quy định của pháp luật và hợp đồng BOT đã ký kết.

Cụ thể, HHV sẽ được hưởng lợi nhuận tối đa tương ứng với tỷ suất lợi nhuận của các nguồn vốn hợp pháp quy định trong hợp đồng BOT, dựa trên giá trị vốn góp thực tế tại thời điểm chia lợi nhuận và thời gian dự án sử dụng vốn đóng góp từ HHV.

HĐQT cũng giao Tổng Giám đốc Nguyễn Quang Huy thẩm quyền đàm phán mức tỷ suất lợi nhuận với đối tác, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, phù hợp với thực tế và lợi ích của cả hai bên.

Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được hưởng lợi nhuận dựa trên tỷ suất lợi nhuận của vốn chủ sở hữu, cùng quyền quyết định việc sử dụng các khoản lợi nhuận sau khi hoàn tất các nghĩa vụ tài chính với ngân hàng, chi phí hoạt động và các nghĩa vụ thuế với nhà nước.

Trong trường hợp dự án gặp lỗ, hai bên sẽ đàm phán để chia sẻ trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ và phạm vi đóng góp.

Thời hạn hợp tác sẽ tương ứng với thời gian thu phí của dự án, và có thể tự động điều chỉnh nếu thời gian thu phí thay đổi. Trong vòng 30 ngày làm việc sau khi kết thúc thời hạn hợp tác, hai bên sẽ hoàn thành việc quyết toán và xác định kết quả kinh doanh của dự án. Sau đó, trong vòng 10 ngày làm việc, các nghĩa vụ còn lại sẽ được hoàn tất theo quy định hợp đồng.

Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, thành lập vào cuối năm 2023 tại thành phố Cao Bằng, do ông Nguyễn Quang Vĩnh làm Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, là doanh nghiệp thực hiện hợp đồng BOT và cũng là bên liên quan đến ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT HHV.

Được biết, dự án xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, với chiều dài khoảng 93km, trong đó 41km thuộc tỉnh Cao Bằng.

Vốn ngân sách nhà nước đóng góp khoảng 6.600 tỷ đồng, vốn vay khoảng 6.300 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 1.400 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến từ 19/12/2023 đến 15/12/2026, với thời gian thu phí kéo dài 25 năm 3 tháng kể từ khi dự án đi vào hoạt động.

Theo thỏa thuận, HHV sẽ đóng góp 15% vốn điều lệ của Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, tương đương hơn 216 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/06/2024, vốn điều lệ thực góp vào Công ty Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là 50 tỷ đồng, trong đó HHV đóng góp 7,5 tỷ đồng, tương ứng 15%.

Trong khi đó, Cao Bằng vẫn là tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2023, toàn tỉnh còn 37.409 hộ nghèo, chiếm 28,94% và 19.084 hộ cận nghèo, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh; đặc biệt còn trên 11.000 hộ gia đình chính sách và hộ nghèo hiện đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát và nhiều trường học bán trú chưa được xây dựng,...