Đến năm 2030, Việt Nam sẽ có 13 đô thị trực thuộc Trung ương với 2 đô thị loại đặc biệt

Trong số 13 đô thị trực thuộc Trung ương, có 8 tỉnh đang trong quá trình đi lên thành phố trực thuộc Trung ương.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 891/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Việt Nam hiện có 5 đô thị trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, TP. HCM (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại đặc biệt), Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Cùng với đó, 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương (dự kiến đến năm 2030 là đô thị loại I).

Hà Nội và TP. HCM sẽ trở thành đô thị loại đặc biệt. Ảnh minh họa

Theo quy hoạch, cả nước hiện có 42 đô thị loại I, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 11 đô thị, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 7 đô thị, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 5 đô thị, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 11 đô thị. Cụ thể: 

11 đô thị loại I vùng Đồng bằng sông Hồng gồm: Bắc Ninh; Hạ Long; Cẩm Phả; Uông Bí; Móng Cái (Quảng Ninh); Hưng Yên; Nam Định; Phủ Lý (Hà Nam); Thái Bình; Ninh Bình.

5 đô thị loại I vùng Trung du và miền núi phía Bắc gồm: Tuyên Quang; Lào Cai; Thái Nguyên; Bắc Giang; Việt Trì (Phú Thọ).

7 đô thị vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung gồm: Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Huế, Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang và Cam Lâm (Khánh Hòa).

3 đô thị vùng Tây Nguyên có: Pleiku (Gia Lai); Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Đà Lạt (Lâm Đồng).

5 đô thị vùng Đông Nam Bộ có: Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An (Bình Dương); Biên Hòa (Đồng Nai); Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

11 đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long có: Tây An (Long An); Mỹ Tho (Tiền Giang); Bến Tre; Sa Đéc, Cao Lãnh (Đồng Tháp); Long Xuyên (An Giang); Rạch Giá, Phú Quốc (Kiên Giang); Sóc Trăng; Bạc Liêu; Cà Mau.

Cả nước có 50 đô thị loại II. Ảnh minh họa

Cả nước có 50 đô thị loại II, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 11 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 11 đô thị, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 8 đô thị, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 7 đô thị.

Với đô thị loại III, cả nước có 64 đô thị, trong đó, vùng Đồng bằng sông Hồng có 10 đô thị, vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 5 đô thị, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có 15 đô thị, vùng Tây Nguyên có 6 đô thị, vùng Đông Nam Bộ có 7 đô thị, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có 21 đô thị.

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I. Theo đó, đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính TP. Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu với tổng diện tích là 228,214km2.

Bên cạnh đó, đô thị Bắc Giang cũng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại II trực thuộc tỉnh Bắc Giang. Phạm vi đô thị Bắc Giang gồm toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Bắc Giang hiện hữu và huyện Yên Dũng hiện hữu, phạm vi 258,30 km2, gồm 34 đơn vị hành chính cấp xã.