Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trên thế giới hiện nay để đảm bảo sự phát triển bền vững và ổn định của thị trường bất động sản, tránh tác động gây bất ổn cho nền kinh tế, nhiều nước đã sử dụng chính sách tín dụng như một công cụ điều tiết thị trường.
Việc thắt chặt hoặc nới lỏng tín dụng giúp kiểm soát giá bất động sản, ngăn ngừa bong bóng và đảm bảo sự ổn định của thị trường.
Từ kinh nghiệm của các quốc gia, VARS đề xuất một số giải pháp chính sách tín dụng nhằm điều tiết khi thị trường có biến động tăng hoặc giảm trên 20% trong 3 tháng, hoặc khi bất động sản có những thay đổi ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội nhưng vẫn đảm bảo nhu cầu mua nhà của người dân.
Thứ nhất, VARS đề xuất thắt chặt chính sách tín dụng đối với người đầu cơ. Để giảm số lượng người vay vốn cho mục đích đầu cơ hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, các tổ chức tín dụng có thể điều chỉnh giảm hạn mức cho vay.
Việc này có thể thực hiện thông qua việc giảm tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản, yêu cầu tỷ lệ thanh toán bằng vốn tự có cao hơn hoặc áp dụng mức lãi suất cao hơn với những người mua nhà từ lần thứ hai trở lên.
Thứ hai, tăng cường giám sát và quản lý tín dụng. Chính phủ có thể áp đặt các quy định kiểm soát chất lượng tín dụng, yêu cầu ngân hàng báo cáo chi tiết về các khoản vay liên quan đến bất động sản để tăng cường giám sát rủi ro.
Đồng thời, thiết lập cơ chế tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội, ưu tiên cấp vốn cho những dự án nhà ở vừa túi tiền, nhằm giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần nới lỏng tín dụng, bao gồm giảm lãi suất và hỗ trợ các khoản vay dài hạn với lãi suất ưu đãi cho người mua nhà lần đầu hoặc một số đối tượng ưu tiên như các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn, nhằm ổn định xã hội.
Ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS nhấn mạnh rằng để chính sách được áp dụng hiệu quả, Nhà nước cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đủ lớn, chính xác và cập nhật để phân biệt giữa người mua nhà ở thực với mục đích sản xuất kinh doanh và các đối tượng đầu cơ, trục lợi.
"Việc đẩy nhanh công bố chỉ số giá giao dịch bất động sản và một số chỉ tiêu ảnh hưởng sẽ là căn cứ quan trọng để xác định thời điểm cần sự can thiệp của Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh giá bán bất động sản đang có nhiều quan ngại như hiện nay", ông Đính chia sẻ.
Để điều tiết thị trường bất động sản toàn diện, VARS cho rằng chính sách tín dụng nên kết hợp với việc áp dụng thuế chuyển nhượng hoặc thuế tài sản.
Đồng thời, việc điều tiết cần được thực hiện linh hoạt nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường và hạn chế rủi ro tối đa.
Bất động sản vẫn là một lĩnh vực hấp dẫn cho hoạt động cho vay ngân hàng do nhu cầu cao và ổn định, cùng với tài sản thế chấp mạnh giúp giảm rủi ro nợ xấu.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng thiếu bền vững của thị trường có thể dẫn đến rủi ro nếu giá trị tài sản giảm.
Hơn nữa, các khoản vay bất động sản thường dài hạn, có thể ràng buộc vốn và hạn chế khả năng theo đuổi cơ hội khác của ngân hàng.
Mặc dù nhu cầu vốn cho nhà ở rất lớn, tiềm ẩn rủi ro nợ xấu vẫn tăng. Đáng chú ý, dù lãi suất vay mua nhà đã giảm tích cực trong một năm qua, giá nhà vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng cho lĩnh vực bất động sản đã đạt khoảng hơn 3,083 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 6/2024, chiếm 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 6,8% so với cuối năm 2023.