Phó Vụ trưởng Giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Thị Tú Anh cho biết: Ở nước ta, các nghiên cứu, hoạt động hoạch định chính sách và thực tiễn về học tập suốt đời chưa được hiểu đồng nhất. Vì vậy, cần hướng tới xây dựng Luật Học tập suốt đời như một luật chi tiết, tường minh dành cho lĩnh vực học tập suốt đời, dễ dàng áp dụng vào thực tiễn.
Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân
Xây dựng Luật Học tập suốt đời phù hợp xu hướng phát triển của cá nhân và xã hội hiện đại; đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, từ đó, tạo ra hành lang pháp lý và các thiết chế thống nhất về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quan trọng này.
Việc luật hóa học tập suốt đời khắc phục một phần hạn chế, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước hiện nay đối với các loại hình giáo dục thường xuyên, không chính quy... đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng, liên tục, suốt đời của các tầng lớp nhân dân, phù hợp quy định về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân.
Tuy nhiên, bên cạnh sự cần thiết của việc tăng cường quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực học tập suốt đời thì các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu thấu đáo cơ sở chính trị, pháp lý, khoa học thực tiễn để đưa ra các chính sách phù hợp, khả thi.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Lê Thị Mai Hoa, việc xây dựng, ban hành Luật Học tập suốt đời cần có những nghiên cứu tập trung, đánh giá tác động ở các đối tượng thụ hưởng mới có sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội. Ngoài ra, cần tạo điều kiện, căn cứ cụ thể, rõ ràng, có tính pháp lý cao trong việc triển khai học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Để bảo đảm tính tương đương về cấu trúc giữa các văn bản luật trong cùng hệ thống, Luật Học tập suốt đời phải chi tiết với cách tiếp cận tổng thể về học tập suốt đời trong mối quan hệ gắn kết với xây dựng xã hội học tập; bảo đảm quan hệ giữa Luật Học tập suốt đời và các luật khác trong hệ thống pháp luật về giáo dục là quan hệ bổ sung cho nhau.
Luật Học tập suốt đời sẽ bổ sung, không lặp lại những quy định đã có trong các luật khác về giáo dục, nhưng có sự phát triển cần thiết. Các quy định hiện nay về giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên trong văn bản luật được thực hiện theo tư duy của hệ thống giáo dục truyền thống. Vì vậy, Luật Học tập suốt đời cần có những quy định bổ sung hướng tới khắc phục bất cập trong thể chế học tập suốt đời; bảo đảm tính mở, linh hoạt và liên thông của hệ thống giáo dục, đáp ứng tốt nhất nhu cầu học tập đa dạng của người học; qua đó thúc đẩy và khuyến khích học tập suốt đời, không ai bị bỏ lại phía sau.
Khẳng định vai trò của học tập suốt đời, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, nhu cầu thực tiễn đòi hỏi các chiến lược, kế hoạch, hoạt động học tập suốt đời cần được ban hành thành luật để cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành có trách nhiệm, tạo cơ hội, điều kiện về thể chế, thiết chế và những điều kiện khác để ai cũng được học tập. Luật hóa để việc học không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm của công dân.