Để nâng cao nhận thức tài chính trong cộng đồng, các bộ, ngành, trong đó có Ngân hàng nhà nước đã phối hợp triển khai các chương trình đào tạo nhằm trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính cho người dân, doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tích hợp nội dung giáo dục tài chính vào Chương trình giáo dục phổ thông quốc gia. Cùng với đó, các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính, tăng cường minh bạch thông tin, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu nại, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng tài chính.
Tuy nhiên, để truyền thông và giáo dục tài chính đến được với mọi nhóm đối tượng là một thách thức lớn, đòi hỏi sự đa dạng hóa về hình thức tiếp cận. Trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã triển khai nhiều chương trình truyền thông sáng tạo, giúp tối đa hóa độ phủ kiến thức tài chính - ngân hàng đến công chúng. Tiêu biểu có thể kể đến các chương trình như gameshow “Tiền khéo Tiền khôn”, loạt hoạt hình “Tay hòm chìa khóa”, cuộc thi tìm hiểu “Hiểu đúng về tiền”, “Nhà ngân hàng tương lai”… Những hình thức này đã góp phần lan tỏa thông tin một cách sinh động, gần gũi và dễ tiếp cận hơn với người dân ở nhiều độ tuổi, ngành nghề khác nhau.

Bà Lê Thị Thuý Sen, Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng (áo xanh) và ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch FPT IS, ký thoả thuận hợp tác.
Nhằm cụ thể hoá việc giáo dục tài chính cho giới trẻ, đặc biệt là học sinh các cấp học phổ thông, Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT ngày 11/4 ra mắt sân chơi giáo dục tài chính cho học sinh phổ thông toàn quốc.
Sân chơi “Tài chính thông minh” dự kiến triển khai từ tháng 5-2025, dành cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên toàn quốc. Sân chơi được thiết kế theo mô hình hiện đại, kết hợp thi trực tuyến trên nền tảng VioEdu do Tập đoàn FPT phát triển và các hoạt động trải nghiệm thực tế. Dự kiến, trong năm đầu tiên, chương trình sẽ tiếp cận hơn 5 triệu học sinh.
Tham gia sân chơi hoàn toàn miễn phí này, học sinh sẽ vượt qua các thử thách tài chính được thiết kế theo cấp độ từ cơ bản đến nâng cao, rèn luyện kỹ năng quản lý chi tiêu, tiết kiệm và lập kế hoạch tài chính cá nhân qua từng vòng thi.
Đặc biệt, các em sẽ được trải nghiệm các tình huống tài chính thực tiễn - “những kỹ năng rất thật, rất đời và cực kỳ cần thiết cho hành trang trưởng thành”, trước khi bước vào vòng chung kết toàn quốc.
Với các hệ thống câu hỏi chất lượng, nội dung gần gũi và hình thức thi đấu sinh động trên nền tảng trực tuyến, chương trình sẽ giúp học sinh tiếp cận kiến thức về tiêu dùng, tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân theo hình thức “học mà chơi - chơi mà học”.
Thông qua chương trình, hai bên kỳ vọng sẽ góp phần cụ thể hoá Chiến lược tài chính quốc gia đến năm 2030, theo định hướng phổ cập kiến thức tài chính và thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục.
Trong đó, nhấn mạnh hướng đến việc trang bị kiến thức, hình thành thói quen và tư duy tài chính cơ bản cho người dân, đặc biệt qua giáo dục học đường cùng với Nghị quyết 03 về chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong giáo dục và đời sống.
Bà Lê Thị Thuý Sen, Tổng biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, Chúng tôi mong muốn lan tỏa kiến thức tài chính một cách sống động, linh hoạt và phù hợp với tư duy của thế hệ trẻ. Chúng tôi kỳ vọng hợp tác cùng FPT mang đến hình thức truyền đạt kiến thức tài chính hiện đại, mới mẻ, tăng cường hiệu quả truyền thông kiến thức tài chính tới học sinh, phụ huynh và nhà trường.
Con theo ông Trần Đăng Hoà, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS), Tập đoàn FPT chia sẻ, thông qua sân chơi này, FPT IS kỳ vọng sẽ cùng các cơ quan, đối tác chung tay ươm mầm một lực lượng dự bị vững vàng, những công dân số không chỉ giỏi công nghệ mà còn am hiểu tài chính, sẵn sàng kiến tạo giá trị và làm chủ kinh tế số trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ, công dân hiện đại không chỉ cần giỏi kiến thức chuyên môn mà còn phải có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân thông minh, tự chủ. Đây không chỉ là yêu cầu của cuộc sống mà còn là một phần không thể thiếu trong quá trình xây dựng một thế hệ trẻ bản lĩnh, độc lập và sáng tạo.