Đánh giá công tác nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), TS Vũ Tiến Lộc cho rằng Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có một nhiệm kỳ nhiều năng lượng và rất thành công.
“Thủ tướng và các cộng sự của mình là các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã không chỉ là người làm chính sách mà còn đóng vai trò của các “đốc công”, “tả xung, hữu đột”… để đưa chính sách vào cuộc sống và đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội…”- Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam phát biểu.
Chủ tịch VCCI đã chỉ ra 3 điểm nhấn thành công và 3 mặt còn hạn chế của nhiệm kỳ Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Điểm nhấn nhiệm kỳ
Dưới góc nhìn của cộng đồng DN, Chủ tịch VCCI đã phân tích 3 mặt thành công nhất của nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua.
Thứ nhất, Chính phủ đã thành công trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thấp và duy trì tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn. Dù phải đối phó với dịch bệnh covid nhưng tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020 vẫn cao hơn, trong khi lạm phát chỉ bằng một nửa so với nhiệm kỳ trước. Bội chi ngân sách và nợ công cũng được kiểm soát tốt hơn.
Thứ hai, Chính phủ đã nỗ lực thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế, trong đó tập trung vào hai mũi giáp công là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và thực hiện Chính phủ điện tử.
“Trong nhiệm kỳ, chúng ta đã xoá bỏ hàng ngàn giấy phép con, cắt giảm, đơn giản hoá 50% - 60% điều kiện kinh doanh và TTHC kiểm tra chuyên ngành. Trong một số lĩnh vực 98% - 99% TTHC được thực hiện trực tuyến. Chỉ số hài lòng của người dân và DN với cơ quan chính quyền các cấp được cải thiện. Theo xếp hạng quốc tế, năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh của nước ta cũng lần lượt tăng tới 10 và 20 bậc”- TS Vũ Tiến Lộc dẫn chứng.
Thứ ba, các hoạt động xúc tiến thương mại đầu tư “con thoi” của Chính phủ với sự yểm trợ, đồng hành của Chủ tịch nước, của Quốc hội, được đẩy mạnh, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết và đi vào thực hiện không chỉ mở không gian thị trường mà còn tạo động lực và không gian cải cách cho nền kinh tế Việt Nam.
Về những hạn chế trong công tác điều hành của Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn chỉ ra 3 điểm rõ nét nhất.
Thứ nhất, chất lượng thể chế và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta, mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn chưa cao, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của chúng ta, vẫn chưa lọt được vào nhóm các nước ASEAN-3, ASEAN-4 như mục tiêu kỳ vọng. Kế hoạch có 1 triệu DN hoạt động có hiệu quả vào năm 2020 còn lỡ hẹn. Nhiều quy định pháp luật về kinh doanh còn chồng chéo. Cơ chế xin-cho dù đã giảm, nhưng TTHC trong nhiều lĩnh vực còn phiền hà, tiếp tục gây khó khăn cho người dân và DN.
Thứ hai, về chính sách tiền tệ, thời gian qua tốc độ tăng trưởng cung tiền và tín dụng vẫn luôn cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa . Điều này tiềm ẩn nỗi lo về khả năng lạm phát cũng như nợ xấu trong tương lai.
Thứ ba, về chính sách tài khóa, thu ngân sách Nhà nước vẫn còn dựa nhiều vào thu từ đất đai, từ tài nguyên nên thiếu tính bền vững. Trong chi ngân sách Nhà nước thì tỷ lệ chi thường xuyên còn lớn vì bộ máy còn cồng kềnh, đầu tư công còn kém hiệu quả do dàn trải, cơ chế huy động sức dân vào đầu tư phát triển còn nhiều vướng mắc...
“Những hạn chế này nếu không được khắc phục kịp thời thì hiện tượng quá tải về cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ là một trong những điểm nghẽn lớn nhất cản trở yêu cầu tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong những năm tới đây…”-TS Vũ Tiến Lộc lưu ý.
Vì một đất nước Việt Nam hùng cường…
Trong bài phát biểu nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bồi hồi nhớ lại hải trình dồn dập, đầy bão tố; từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước, và con tàu Việt Nam đã vượt qua và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên mọi lĩnh vực, trở thành điểm sáng của khu vực và thế giới trong thực hiện “mục tiêu kép”, được bạn bè quốc tế đánh giá cao; tô đậm thêm những thành tựu to lớn, có ý ý nghĩa lịch sử của chặng đường 35 năm đổi mới đất nước, khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ ta.
“Có thể nói những thành tựu chúng ta giành được không chỉ được đo bằng con số GDP được tạo ra mà còn là những giá trị xã hội vô hình không thể tính hết, đó còn là tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, lòng quả cảm nhân hậu và tình người, sự bền bỉ và ái quốc trong Nhân dân chúng ta. Không chỉ tài lực, vật lực mà còn cả thiên thời, địa lợi và nhân hòa cùng tạo nên những nguồn sức mạnh cộng hưởng đem lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho đất nước chúng ta…”- Nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Với cương vị mới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trên chuyến hải trình sắp tới, con tàu Việt Nam sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn, đó là khi có cả những thời cơ và thách thức đan xen.
“Tôi luôn tin rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, với bản lĩnh và trí tuệ của con người Việt Nam, với sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta nhất định sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước pháp quyền XHCN, tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, nâng cao niềm tin của người dân đồng lòng hành động xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…”- đồng chí Nguyễn Xuân Phúc phát biểu.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng Việt Nam là đất nước đa dạng với nhiều dân tộc anh em, nhưng chúng ta có chung một trái tim, một mái nhà, một lịch sử vẻ vang và một sứ mệnh vinh quang.
Ông nói: “Khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường 2045 “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” như ước nguyện của Bác Hồ và tinh thần Đại hội Đảng XIII đề ra, đó không phải là một món quà có sẵn vào năm 2045, mà đó là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được…” Người đứng đầu đất nước cũng bày tỏ niềm tin mãnh liệt về một nước Việt Nam hùng cường: “Cha ông ta đã làm nên những trang sử hào hùng, được viết bằng mồ hôi và xương máu của biết bao thế hệ. Chúng ta có niềm tin mãnh liệt rằng: tiếp nối truyền thống hào hùng sẽ có nhiều chương sử mới viết tiếp những kỳ tích tiến lên giàu mạnh, hùng cường của đất nước ta, và dân tộc ta…”
Kỳ vọng nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc *Theo Đại biểu quốc hội Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội, qua hai nhiệm kỳ làm Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có nhiều thuận lợi khi đảm nhiệm cương vị thay mặt cho Nhà nước về đối nội, đối ngoại. Đó là sự dày dạn kinh nghiệm điều hành Chính phủ và xử lý các vấn đề cấp bách về quốc kế dân sinh. Giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, đây là “hành trang” quý giá để Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhận nhiệm vụ mới và thuận lợi trong đối nội. “Tôi tin rằng ở vai trò mới, đặc biệt là kinh nghiệm dày dặn về đối ngoại, đặc biệt là phẩm chất “gần dân, luôn lắng nghe nhân dân”, Chủ tịch nước sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nguyên thủ quốc gia và là người đứng đầu Nhà nước về đối nội, đối ngoại”- ông Hiểu khẳng định. * Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, đoàn TP Hồ Chí Minh bày tỏ kỳ vọng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm chỉ đạo, tăng cường hoạt động đối ngoại nhân dân, từ đó góp phần tạo môi trường quốc tế thuận lợi thu hút các nguồn lực phát triển đất nước, bảo vệ chủ quyền. “Tôi mong muốn Chủ tịch nước có nhiều đối sách quan trọng, đặc biệt là tiếp tục những mối quan hệ đối với bạn bè quốc tế đã phát huy tốt trong nhiệm kỳ qua. Nhiệm kỳ tới về phương diện ngoại giao, Chủ tịch nước giữ những mối liên hệ với các nước bạn, các nước láng giềng - những nước có tình cảm tốt đẹp với nhân dân Việt Nam. Phát huy những mối quan hệ mới để nhận được sự ủng hộ cao của bạn bè quốc tế trong sự nghiệp xây dựng...”- Bà Châu bày tỏ. |