Đánh giá kỹ tác động của thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

(CL&CS)- Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường”.

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Một trong những nội dung chính sách được bổ sung mới tại Dự thảo là “Mở rộng cơ sở tính thuế”, trong đó có quy định: “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB”; Ban soạn thảo cũng đề xuất áp dụng mức thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Theo các chuyên gia, một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát (NGK) có đường.

Để rộng đường dư luận, ngày 17/10 , Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường”.

Toàn cảnh hội thảo 

TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho biết, xét về tác động kinh tế, việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường dẫn tới tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Cũng như thực trạng chung của doanh nghiệp ngành đồ uống, ngành NGK là ngành dễ bị tổn thương trước các cú sốc, bao gồm cả những thay đổi về chính sách. "Quá trình soạn thảo các văn bản, chính sách tác động tới doanh nghiệp ngành NGK càng đòi hỏi phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo đó, báo cáo này đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường" - bà Thảo cho hay.

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, hiện nay, ở một số nước bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường. Tại Thái Lan năm 2024 Chính phủ đã giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu còn xuống 5%, và rượu mạnh 0% để phục vụ du lịch. Theo bà Cúc, để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ là một phần, còn lại phải có các biện pháp khác quan trọng để định hướng hành vi, thay đổi tiêu dùng. Do đó, khi đưa ra một chính sách thuế cần phải cân nhắc tính khả thi của chính sách khi đi vào thực tiễn.

Cũng theo ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban QH Doanh nghiệp & Pháp Chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: 5 năm gần đây, doanh nghiệp đóng góp ngân sách 1.000 tỷ đồng/năm song đến nay chưa thấy đánh giá tác động kỹ càng về chính sách từ cơ quan soạn thảo, cũng chưa có cơ sở điều chỉnh hành vi với người tiêu dùng trong việc hạn chế sử dụng mặt hàng này khi chính sách thực thi.

Ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban QH Doanh nghiệp & Pháp Chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Về tính công bằng của chính sách, đại diện Tân Hiệp Phát cho biết trước đây sữa, một mặt hàng dinh dưỡng quan trọng, từng được đưa vào mặt hàng chịu thuế, hiện đã được bỏ ra khỏi danh mục này. Còn nước giải khát có đường hiện được nguyên nhân của bệnh béo phì nhưng thực tế béo phì còn do nhiều nguyên nhân khác. Ông Hưng nêu một số nhóm sản phẩm chứa nhiều đường như bánh kẹo, bánh trung thu thì có bị đánh thuế hay không.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, trong bối cảnh các doanh nghiệp còn khó khăn hiện nay, để góp phần dự thảo luật được ban hành hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng như góp phần đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và mục tiêu sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam, các doanh nghiệp ngành nước giải khát dựa trên các cơ sở khoa học, thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, VBA kiến nghị các cơ quan soạn thảo cần nhắc chưa bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Cũng theo bà Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng  việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường sẽ tác động rất lớn đến người tiêu dùng và doanh nghiệp, đây cũng là lĩnh vực rất quan trọng đến đời sống kinh tế - xã hội. Theo đó, cần có thêm bằng chứng khoa học chứng minh sự liên quan giữa nước giải khát có đường và tình trạng thừa cân, béo phì, xem nước giải khát có đường có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như thế nào? Từ đó "đưa ra quyết định đúng nhất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, tình hình kinh tế Việt Nam và phù hợp với sức khỏe cộng đồng” – bà Trần Thị Nhị Hà khẳng định.

Để có thêm cơ sở khoa học cho việc đánh thuế với nước giải khát, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ, tiêu chuẩn Việt Nam 5g/100ml và trả lời tại sao Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt lại đưa ra quy định như vậy?.

TIN LIÊN QUAN