Đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021

(CL&CS) - Ngày 27/11/2020, tại TP.HCM Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức Hội thảo đánh giá hoạt động thông tin điện tử năm 2020 và định hướng năm 2021 với sự tham dự của nhiều đơn vị, tổ chức trong lĩnh vực liên quan.

Ông Lưu Đình Phúc đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Tham dự và điều hành hội thảo có ông Lưu Đình Phúc Cục trưởng PTTH và TTĐT, đại diện thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT), Bộ Công an và doanh nghiệp đang quản lý, điều hành các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và đội ngũ phóng viên, báo chí.

Thay mặt Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lưu Đình Phúc đã có bài phát biểu tổng kết đánh giá về hoạt động của trang điện tử tổng hợp, mạng xã hội, trò chơi điện tử và cung cấp dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông trong năm 2020, định hướng 2021. Trong đó, đã đưa ra cái nhìn tổng quan, sắc nét về tình hình các trang thông tin tổng hợp và mạng xã hội được cấp phép. Với con số 1691 (trang TTĐT) và 72 (MXH) với hàng triệu lượt truy cập, kéo theo sự tăng vọt vể các nhu cầu mới của cộng đồng như mua bán online, quảng cáo dịch vụ… nhất là vào thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19.

"Sau khi Bộ TTTT chỉ đạo quyết liệt và thực hiện các biện pháp xử lý cứng rắn, tình trạng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp có dấu hiệu chững lại. Tuy nhiên, đang có sự dịch chuyển mạnh từ “báo hóa” trang tin sang “báo hóa” mạng xã hội. Trước thực trạng đó, thời gian gần đây, cơ quan thanh tra chuyên ngành đã tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà soát, theo dõi các mạng xã hội có dấu hiệu “báo hóa” để có biện pháp xử lý kịp thời. Bộ TTTT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, biện pháp xử lý quyết liệt hơn, kể cả biện pháp rút giấy phép đối với các trường hợp vi phạm." - ông Phúc nhấn mạnh.

Đông đảo các đại diện đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đến tham dự hội thảo và trao đổi, đóng góp ý kiến. Ảnh: Nguyễn Ngọc

Hội thảo còn tiến hành trao đổi, giải đáp, nắm bắt, tháo gỡ những vướng mắc của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thông tin điện tử (TTĐT). Qua đó, đi đến thống nhất một số công tác định hướng thông tin quan trọng trong thời gian tới.

Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TTĐT phải nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành trong quá trình hoạt động là tiêu chí hàng đầu. Đồng thời, các tổ chức, các doanh nghiệp cần có sự đầu tư góp ý cho các dự thảo nghị định 72/2013/NĐ-CP, 72/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng để khi ban hành sẽ thực sự phát huy hiệu quả, hỗ trợ được các doanh nghiệp trong nước ổn định và phát triển.

Tại sự kiện này Cục PTTH&TTĐT cũng đã chính thức ra mắt cổng thông tin chính thức về game tại địa chỉ gameportal.gov.vn, gameportal.com.vn, gameportal.vn. Tại cổng thông tin này sẽ cung cấp các thông tin đầy đủ về game online tại Việt Nam, để giúp các sở Thông tin Truyền thông, cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người chơi tra cứu thông tin. Đồng thời đối với các game vi phạm các quy định pháp luật trong nước cũng sẽ được công khai trên cổng thông tin này.

Theo số liệu từ Cục PTTH&TTĐT cho biết, tính đến 30/10/2020, đã có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng, trong đó có 4 doanh nghiệp đã dừng hoạt động và 50 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép do không hoạt động, không làm các thủ tục cơ quan quản lý yêu cầu và cơ quan quản lý liên hệ cũng không được.

Số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 878 trò chơi, trong đó có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành hành. Trong 10 tháng đầu năm 2020 cơ quan quản lý đã cấp 152 quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản, tăng 39 quyết định so với năm 2019.

Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là 106 doanh nghiệp với 8.332 trò chơi đã được cấp giấy thông báo phát hành.

Đồng thời để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp trong nước, Cục PTTH&TTĐT đã liên tục yêu cầu Apple, Google, Facebook và Tiktok tiến hành gỡ bỏ các quảng cáo, các game không phép này ra khỏi các kho ứng dụng. Kết quả, 121 game không phép, game cờ bạc, bạo lực… đã được gỡ bỏ khỏi các kho ứng dụng Apple, Google… Bên cạnh đó các đơn vị an ninh như A03, A05 cũng tập trung liên tục xử lý tình trạng game lậu này.

TIN LIÊN QUAN