Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk ngày 17/7 thông tin cho biết đơn vị này đã có báo cáo gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề xuất Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh nghiên cứu trình Trung ương cấp kinh phí sửa chữa hàng loạt hồ đập lớn đang có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng nặng trên địa bàn.
Trước thực trạng nhiều hồ đập, bờ kè lớn bị hư hỏng và xuống cấp, việc sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng hạ du khi mùa mưa bão đang đến gần.
Chia sẻ trên báo Lao Động, ông Đoàn Quang Hưng - Chánh Văn phòng, Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk, địa bàn tỉnh có diện tích rộng và là đầu nguồn của hệ thống sông Srêpốk và một phần của sông Ba.
Đắk Lắk sở hữu mạng lưới sông, suối phân bố tương đối đồng đều trên lãnh thổ với hơn 700km sông chính và 833 con suối với độ dài trên 10km.
Trong vài năm trở lại đây, tình hình thiên tai, đặc biệt là mưa lũ diễn ra khá phức tạp khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ suối ngày càng xảy ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nhà ở, đất sản xuất của người dân tại địa phương.
Qua công tác rà soát, trên địa bàn tỉnh hiện còn một số khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần khẩn cấp khắc phục. Tuy nhiên, do nguồn lực của địa phương còn hạn chế nên mới chỉ bố trí vốn để ưu tiên thực hiện tại một vài vị trí xung yếu, còn lại chưa huy động được nguồn lực để đầu tư.
Trước thực trạng này, đơn vị đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai tổng hợp, tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ quan tâm và hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk để triển khai và thực hiện với kinh phí đề xuất khoảng 550 tỷ đồng.
Các công trình cần duy tu, bảo dưỡng và sửa chữa kịp thời có thể kể đến như kè xử lý cấp bách chống sạt lở ở các xã Ea Uy, Vụ Bổn, Ea Yiêng (thuộc huyện Krông Pắk).
Ngoài ra, các hạng mục khác như chống sạt lở bờ sông Krông Nô đoạn qua xã Ea R'bin, huyện Lắk (có 8 vị trí đặc biệt nghiêm trọng); công trình khắc phục sửa chữa đê bao Quảng Điền... cũng sẽ được chú trọng.
Đắk Lắk là một trong những tỉnh án ngữ ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên và là một trong những cực phát triển trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.
Đắk Lắk có diện tích tự nhiên hơn 13.00km2 với mức dân số hơn 1,9 triệu người.
Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và là một thị trường có sức tiêu thụ hàng hóa hàng đầu khu vực Tây Nguyên, Đắk Lắk được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế đối ngoại và hợp tác đầu tư với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.